Ở các nước phương Tây, ngày Halloween hàng năm là ngày ma quỷ thì trong văn hóa phương Đông, rằm tháng 7 âm lịch được cho là ngày của những “vong hồn”.
Theo quan niệm dân gian, người ta tin rằng khi chết con người sẽ trở thành những vong hồn. Nếu lúc sống làm những điều tốt đẹp, vong hồn sẽ được luân hồi, còn nếu làm điều ác, sẽ bị đày xuống địa phủ hoặc sống vất vưởng ở nhân gian.
|
Người Việt thường kiêng mua vàng trong “tháng cô hồn”. Ảnh minh họa PLO. |
Đến tháng 7 Âm lịch, Diêm Vương sẽ ra lệnh mở cửa cho các vong hồn được lên trần gian với con người. Vì thế, tục lệ cúng “cô hồn” ra đời. Các gia đình làm lễ cúng “cô hồn” để không bị các vong linh quấy phá và cũng là để cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với họ.
Vào “tháng cô hồn”, dân gian thường kiêng kỵ làm những việc lớn như mua xe, mua nhà… và đặc biệt, họ kiêng mua vàng.
Về vấn đề này, Giáo sư Trần Lâm Biền cho hay, quan niệm kiêng mua vàng trong tháng cô hồn mới xuất hiện những năm gần đây chứ trước kia chưa có.
Theo giáo sư, vàng ròng hay còn gọi là tử kim. Tử ở đây nghĩa chết, kim là vàng.
“Thường người ta thết vàng cho các tượng Phật mà tượng Đức Phật và Bồ tát thường ở tây phương cực lạc. Tháng này (tức tháng 7 Âm lịch) có gắn với thế giới bên kia, vì thế người ta nghĩ mua vàng không có lợi”, giáo sư Biền nói.
Giáo sư Biền cũng cho rằng, người Việt Nam rất ít kiêng kỵ. Việc kiêng mua nhà, mua xe phần nào ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng không phải cái gì cũng bắt nguồn từ Trung Quốc.
Người Việt Nam chịu ảnh hưởng Trung Quốc không ít, nhưng họ chỉ chấp nhận ảnh hưởng những cái tốt lành. Hơn nữa, Trung Quốc ở phương Bắc mang yếu tố âm, Việt Nam ở phương Nam mang yếu tố dương. Vì thế, đem văn hóa Bắc áp dụng vào Nam, âm áp dụng vào dương là không đúng.