Vì sao HBC và HNG bị hủy niêm yết bắt buộc?

Ngày 26/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có thông báo về việc huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC và HNG sau khi nhận được báo cáo tài chính của 2 công ty.
Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2023 âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng.
Căn cứ vào điểm e khoảng 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020: "1. Cổ phiếu của công ty đại chúng bị huỷ bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: e) Kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".
Căn cứ vào Công văn số 4615/UBCK-PTTT ngày 24/7/2024 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về việc xem xét huỷ niêm yết bắt buộc cổ phiếu. HOSE thông báo về việc cổ phiếu HBC rơi vào trường hợp huỷ niêm yết bắt buộc và sẽ thực hiện huỷ niêm yết đối với cổ phiếu này theo quy định.
Trên thị trường, cổ phiếu HBC đóng cửa phiên ngày 26/7 tại vùng đáy 7.250 đồng, giảm 8% so với đầu năm. Vốn hóa thị trường tương ứng khoảng 2.500 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh gần đây nhất, 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của HBC tăng nhẹ 10% so cùng kỳ lên mức 3.811 tỷ đồng. Nhờ khoản hoàn nhập chi phí quản lý doanh nghiệp  chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và lợi nhuận khác nên lãi ròng 6 tháng đạt mức cao tới 740 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ nặng 711 tỷ đồng.  
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của HBC hơn 15.631 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền nắm giữ còn hơn 324 tỷ đồng, giảm 20% so đầu kỳ. Hàng tồn kho cũng giảm 31% về gần 1.638 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản dở dang dài hạn lên gần 789 tỷ đồng, trong khi cuối năm trước chỉ gần 47 tỷ đồng do phát sinh gần 742 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang từ dự án bất động sản.
Tổng nợ phải trả của HBC giảm 7% so với đầu năm, về hơn 14.64 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn lần lượt chiếm 3.905 tỷ và 578 tỷ đồng. 
Mặc dù đã có lãi trở lại, song dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của HBC lại âm nặng 678 tỷ đồng chủ yếu do tăng các khoản phải trả và lỗ từ hoạt động đầu tư... Trong khi dòng tiền đầu tư và hoạt động tài chính vẫn dương. Do đó, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của HBC ghi âm gần 78 tỷ đồng, nhẹ hơn mức âm 222 tỷ của cùng kỳ.
Vi sao HBC va HNG bi huy niem yet bat buoc?
 
Cùng ngày, HOSE cũng thông báo sẽ hủy niêm yết cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Lý do bởi cổ phiếu này đã có 3 năm thua lỗ liên tục. Cụ thể, năm 2021 lỗ 1.119 tỷ đồng; năm 2022 lỗ 3.576 tỷ đồng; năm 2023 lỗ 1.098 tỷ đồng. Căn cứ điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết.
Kết thúc 3 tháng đầu năm 2024, kết quả kinh doanh của HNG cũng chưa cải thiện hơn khi tiếp tục lỗ 47 tỷ đồng.
Trên thị trường, HNG đang có giá 4.660 đồng/cp, vốn hóa công ty ở mức 5.166 tỷ đồng.
Chủ tịch HNG Trần Bá Dương trước đây cũng nhiều lần lên tiếng về vấn đề này và cho rằng việc bị hủy niêm yết là không thể tránh khỏi. 
Về triển vọng kinh doanh, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết hiện HNG đã ra được mô hình phát triển, công việc tiếp theo là quản trị vận hành như thế nào để có lời. Công ty hy vọng đến 2025 sẽ có doanh thu ổn định và bắt đầu có lãi. Khi có lời sẽ có thể xin niêm yết trở lại trên HoSE.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN