Sau kiểm toán 2022, doanh thu thuần của TVC vẫn ghi nhận 153 tỷ đồng bằng với báo cáo tự lập. Tuy nhiên, số liệu bắt đầu chênh lệch từ chi phí quản lý doanh nghiệp điều chỉnh tăng vọt gần 9 lần lên 570 tỷ đồng so báo cáo tự lập.
Do đó, TVC lỗ ròng nặng hơn sau kiểm toán, lên tới 682 tỷ đồng, so mức 342 tỷ đồng của báo cáo tự lập, nâng lỗ luỹ kế 234 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của TVC giảm mạnh 55,5% so đầu năm, xuống còn 1.737 tỷ đồng. Trong đó đặc biệt dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng vọt từ 10 tỷ lên 517 tỷ đồng; Đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 31% xuống mức 926 tỷ đồng trong đó dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh vọt lên 375 tỷ đồng so mức 16 tỷ của đầu năm, còn tiền gửi ngân hàng đã không còn phát sinh như đầu năm là 460 tỷ đồng.
|
Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của TVC |
Hiện TVC chỉ còn vay nợ tài chính ngắn hạn gần 162 tỷ đồng, còn dài hạn không phát sinh.
Danh mục đầu tư chứng khoán của TVC ghi nhận giá trị ghi sổ 1.301 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu HPG chiếm nhiều nhất tới 897 tỷ đồng, FPT ở mức 289 tỷ đồng, MWG 70 tỷ đồng, còn lại các mã khác. Nhưng TVC đã phải dự phòng tới 358 tỷ cho HPG, 4,8 tỷ cho FPT và 3 tỷ cho MWG, các cổ phiếu khác là gần 9 tỷ.
|
Danh mục đầu tư chứng khoán của TVC |
Báo cáo tài chính hợp nhất 2022 của TVC ghi nhận ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán.
Theo đó, trong số dư khoản phải thu khách hàng tại ngày 31/12/2022 bao gồm các khoản phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư với các đối tác bên ngoài số tiền khoảng gần 273 tỷ đồng, khoản phải thu theo hợp đồng chuyển nhượng trái phiếu cho cá nhân số tiền 50 tỷ đồng, khoản phải thu theo hợp đồng môi giới chứng khoán gần 481 tỷ đồng.
Số dự phòng tổn thất được trích lập cho môt số khoản phải thu nên trên gần 507 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ khoảng 70%.
Một số khoản phải thu của các cá nhân không được trích lập dự phòng dựa trên cam kết thanh toán của các cá nhân này. Tổng giá trị thuần của các khoản phải thu này là gần 297 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán hiện hữu để đánh giá mục đích, đối tượng tham gia và giá trị còn lại của các khoản nợ phải thu và giá trị dự phòng tổn thất cần trích lập, cũng không đánh giá được ảnh hưởng của các chỉ tiêu này trên BCTC ngày 31/12/2022.
|
Các khoản phải thu khác của TVC |
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán còn nhấn mạnh, vụ thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP Louis Holdings, CTCP Louis Capital, CTCP Louis Land, CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), Chủ tịch TVC Phạm Thanh Tùng và Thành viên HĐQT Đỗ Đức Nam bị khởi tố.
Theo kết luận tại bản án số 197 ngày 12/5/2023 của Toà án Nhân dân TP Hà Nội, các cá nhân vi phạm chịu trách nhiệm hình sự và dân sự liên quan, trong đó TVC chịu trách nhiệm dân sự nộp sung quỹ Nhà nước số tiền 14 tỷ đồng lợi ích nhận được từ các hợp đồng hợp tác đầu tư liên quan. Khoản tiền đã được TVC nộp vào ngày 20/4/2023. Còn công ty con TVB không phát sinh nghĩa vụ tài chính/pháp lý nào từ sự kiện nêu trên.
Do ảnh hưởng từ vụ án trên cũng như tác động từ suy giảm của thị trường tài chính, hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của TVC và công ty con gặp nhiều khó khăn năm 2022.
Đến thời điểm hiện tại, TVC đã kiện toàn bộ máy nhân sự chủ chốt, áp dụng các giải pháp nhằm ổn định kinh doanh, tài chính của công ty. Do đó, HĐQT và Ban Tổng giám đốc tin tưởng báo cáo tài chính được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục là phù hợp.
Tại thời điểm cuối năm 2022, cổ đông lớn của TVC là Công ty TNHH MTV Tùng Trí Việt (13,51%) và ông Phạm Thanh Tùng (7,07%).
|
Cơ cấu cổ đông lớn của TVC |