CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (UPCoM: VEF) công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024 với doanh thu thuần và lợi nhuận gộp không thay đổi so với báo cáo tự lập, lần lượt ở mức 515 triệu đồng và lỗ gộp 5,4 tỷ đồng. Doanh thu tài chính vẫn duy trì ở mức 273,7 tỷ đồng như báo cáo tự lập.
Tuy nhiên, báo cáo soát xét lại phát sinh chi phí tài chính hơn 27,6 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập không phát sinh.
Do đó, lợi nhuận sau thuế của VEF tại báo cáo soát xét chỉ còn gần 180 tỷ đồng, trong khi ở báo cáo tự lập tới 220,5 tỷ đồng.
Theo VEF, sở dĩ lợi nhuận sau thuế sau soát xét của VEF giảm 20 tỷ, tương ứng 10% xuống còn gần 180 tỷ đồng so báo cáo tự lập do việc ghi nhận bổ sung một số khoản chi phí phát sinh trong kỳ theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Còn lợi nhuận giảm 21% so cùng kỳ do việc giảm doanh thu cho vay do công ty sử dụng nguồn tiền vào hoạt động phát triển các dự án đang triển khai và tăng chi phí tài chính.
Riêng trong quý 2/2024, VEF lãi ròng 109 tỷ đồng, giảm 13% so cùng kỳ.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của VEF tăng 12%, tương ứng gần 1.190 tỷ, lên mức 10.989 tỷ đồng.
Trong đó, lượng tiền mặt tăng gấp 18 lần với 181 tỷ đồng; Tiền gửi ngân hàng không phát sinh như mức 1.319 tỷ của đầu kỳ. Các khoản phải thu ngắn hạn lại giảm mạnh 31,5% xuống còn 2.868 tỷ đồng, trong đó, phải thu về cho vay ngắn hạn chính là khoản mục VEF cho đối tác doanh nghiệp vay bằng VNĐ, đáo hạn vào tháng 7/2026 hưởng lãi suất 11-12%/năm và được đảm bảo bằng toàn bộ phần vốn góp của chủ sở hữu bên đi vay.
Hàng tồn kho nhích nhẹ lên 1.310 tỷ đồng chi phí liên quan tới việc thực hiện đầu tư dự án xây dựng khu đô thị mới tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ngoài ra, còn có 829 tỷ đồng tại dự án Trung tâm hội chợ triễn lãm Quốc gia, 770 tỷ đồng dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới và 150 tỷ đồng từ dự án tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ 148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội...
Đặc biệt, tài sản dài hạn tăng vọt hơn gấp đôi đầu kỳ, lên mức 6.611 tỷ đồng chủ yếu là tăng các khoản phải thu dài hạn (gấp 4 lần lên 4.845 tỷ đồng).
Trong cơ cấu nợ phải trả 7.733 tỷ đồng, VEF chỉ phát sinh vay ngắn hạn 140 tỷ đồng, giả, 59% so đầu kỳ; Trong khi đó khoản phải trả ngắn hạn khác tăng 20% khi chiếm 7.403 tỷ đồng.