Liên quan đến vụ việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đề xuất mua lại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để biến doanh nghiệp này trở lại thành doanh nghiệp Nhà nước. Dự kiến số tiền chi cho việc mua lại này khoảng 8.000 tỷ đồng tính theo thị giá ACV. Vấn đề này gặp nhiều thắc mắc từ dư luận.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ tháng 4/2016, ACV hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, phần vốn của Nhà nước vẫn chiếm trên 95%. Theo tờ trình của Bộ GTVT ngày 9/7/2019 trình Thủ tướng Chính phủ Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản sở hữu công do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Trong Đề án này đưa ra nhiều phân tích, nhiều phương án khác nhau và có kiến nghị là từ nay đến 2025 tiếp tục giao cho ACV quản lý, khai thác.
Trong giai đoạn đó sẽ có đánh giá và chuyển cho cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GTVT và có cơ chế để quản lý, khai thác hiệu quả giai đoạn sau 2025. Trong phương án đó cũng có một kiến nghị, giải pháp thực hiện Đề án này trong tương lai là xem xét lộ trình mua lại một phần vốn của các cổ đông ACV để đảm bảo điều kiện cao nhất là an ninh quốc phòng.
"Nếu được phê duyệt Đề án thì mới có chủ trương để phê duyệt Đề án mua, gom hoặc là lấy kinh phí ở đâu để thực hiện" - Thứ trưởng cho biết.
Nếu đề xuất này nhận được phê duyệt của Chính phủ, sẽ cần một thời gian dài để thực hiện khi chưa có luật hoặc quy định tương tự cho đề xuất này.
Ngoài ra, theo Nghị định 58/2012/ND-CP, Chính phủ sẽ cần thực hiện mua lại cổ phiếu ACV thông qua chào mua công khai khi hiện đang nắm giữ 95,4% cổ phần của công ty.
Giá chào mua công khai sẽ không thấp hơn giá giao dịch trung bình trong 60 ngày trước khi thực hiện đăng ký chào mua công khai.
Đã trình lên Thủ tướng kiến nghị giao cho ACV tài sản bay
Đường băng tại các sân bay lớn, bao gồm sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) tại TP. HCM và sân bay quốc tế Nội Bài (HAN), hiện đang xuống cấp và cần thực điện bảo trì lớn.
Trong khi Bộ GTVT chưa kịp thời bố trí ngân sách cho việc thực hiện bảo trì này, ACV lại có đủ năng lực tài chính để thực hiện; tuy nhiên, ACV lại không được phép thực hiện bảo trì đường băng khi đường băng là tài sản của Nhà nước và ACV được xem là một công ty cổ phần.
Theo Bộ GTVT và ACV, tổng chi phí bảo trì lớn cho đường băng tại SGN và HAN được ước tính vào khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng. Việc bảo trì này sẽ được thực hiện trong 4 tháng liên tiếp, sẽ phần nào làm gián đoạn giao thông hàng không tại SGN và HAN.
Liên quan đến việc này, Thứ trưởng cho biết, trước đây, khi chưa cổ phần hóa ACV (từ tháng 4/2016 trở về trước), công tác quản lý, khai thác, đầu tư, nâng cấp mới, cải tạo đều do ACV thực hiện trên cơ sở cơ chế hạch toán đã xác định.
Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, do liên quan đến vấn đề an ninh các sân bay nên các khu bay thuộc trụ sở Nhà nước, các đường bay, đường lăn trực thuộc của Nhà nước. Như vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp.
Việc lập kế hoạch trung hạn năm 2016-2020, nguồn kinh phí khá khó khăn do không nằm trong kế hoạch trung hạn này.
Đầu năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 44 về quản lý nguồn tài sản hàng không và giao cho Bộ GTVT báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ phương án giao kết cấu hạ tầng hàng không.
Bộ GTVT đã trình lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giao cho ACV tài sản bay. Trước mắt, ACV tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế lâu dài hơn.
Kiến nghị của Bộ GTVT là dùng các nguồn vốn khác nhau do ACV huy động.
Tuy nhiên, trước mắt Đề án chưa được phê duyệt, việc xuống cấp, hư hỏng cục bộ đã xảy ra. Hiện tại ACV đang sửa chữa, khắc phục hư hỏng đó để bảo đảm an toàn bay.