Gánh nặng nợ xấu từ cho vay mua ôtô, TienPhongBank chuyển hướng cho vay

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhongBank, TPB) chuyển hướng trọng tâm từ việc theo đuổi vị trí dẫn đầu mảng cho vay mua ôtô sang tập trung cho vay an toàn hơn.

Theo Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra gần đây, TienPhongBank cho biết thị trường cho vay mua ôtô đang ngày càng cạnh tranh khắc nghiệt hơn dẫn đến gia tăng quy mô khoản vay và kỳ hạn cho vay. Vì thế TienPhongBank quyết định sẽ không theo đuổi mở rộng thị phần cho vay mua ô tô từ đầu năm 2019.

Ganh nang no xau tu cho vay mua oto, TienPhongBank chuyen huong cho vay
 

Ảnh hưởng của việc tham gia cạnh tranh trong thị trường cho vay mua ôtô là nợ xấu (bao gồm tỷ lệ nợ đã xử lý) gia tăng trên tổng dư nợ.

Trong 6 tháng 2019, danh mục này của TienPhongBank đạt chiếm 1,57% (so với 1,17% trong 6 tháng 2018), nhưng vẫn thấp hơn đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với 2,45% (đang có xu hướng dịch chuyển theo chiều ngược lại với tỷ lệ nợ xấu đạt 1,84% so với 2,22% trong 6 tháng 2018).

Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trong 6 tháng 2019 tăng thêm 70 điểm cơ bản so với cùng kỳ, lên mức cao kỷ lục 4,13%, hỗ trợ cho nhận định của ban lãnh đạo TienPhongBank trong việc chuyển hướng sang đẩy mạnh cho vay với khoản vay an toàn hơn (ví dụ như cho vay mua nhà) từ cho vay ôtô.

Đây cũng là mức tăng NIM cao nhất từ trước đến nay trong các ngân hàng và là dấu hiệu cho việc thực hiện tốt chiến lược trên.

TienPhongBank có ít các lợi thế hơn về chi phí huy động thấp với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao như Vietcombank và MBB, cùng với áp lực cao trong việc thu hút các khách hàng có thu nhập cao tương tự ACB và Techcombank.

 Do đó, VCSC dự báo NIM sẽ chỉ tăng nhẹ khoảng 8 điểm cơ bản trong năm 2020 và sau đó duy trì ở mức này do quá trình tái cơ cấu lại dư nợ cho vay. Tỷ lệ tăng trưởng nợ xấu được dự phóng sẽ dần giảm từ năm 2020.

Ngoài ra, chi phí dự phòng giảm sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận năm 2020 của TienPhongBank. Nhà băng này cho biết sẽ xử lý phần còn lại 394 tỷ đồng trái phiếu VAMC trong năm 2019. Điều này sẽ làm gia tăng tổng chi phí dự phòng trong cả năm thêm 75,7% so với năm trước. Sau khi hoàn tất xử lý trái phiếu VAMC, chi phí dự phòng dự phóng cho năm 2020 của TienPhongBank sẽ giảm 48,3% và phần nào bù lại dự báo giảm thu nhập từ kinh doanh trái phiếu Chính phủ.

Ganh nang no xau tu cho vay mua oto, TienPhongBank chuyen huong cho vay-Hinh-2
 

TienPhongBank được thành lập năm 2008, sau 10 năm, nhà băng này chính thức đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán với mã TPB. Tính đến phiên 04/09/2019, cổ phiếu TPB ghi nhận mức giảm hơn 9% từ khi niêm yết, hiện đang giao dịch quanh mức 22.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ đông lớn của TienPhongBank tính đến cuối năm 2018 gồm: Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji của Chủ tịch Đỗ Minh Phú nắm giữ 6.64% vốn TienPhongBank, Còn CTCP FPT nắm 5.92% và quỹ PYN Elite Fund sở hữu 5.04%.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN