Theo đó, trong ngày 20/8, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital đã bán hơn 3 triệu cổ phiếu HSG, giảm sở hữu từ 50,67 triệu cổ phiếu (8,22%) xuống còn 47,5 triệu cổ phiếu (7,71%).
Trong khi đó, trên thị trường, đóng cửa phiên ngày 20/8, cổ phiếu HSG dừng tại mức 20.580 đồng/cp, ghi nhận mức tăng hơn 17% trong vòng 1 năm qua. Thanh khoản khá sôi động khi bình quân gần 12 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.
Như vậy, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital đã thu về khoảng 65 tỷ đồng sau các giao dịch trên.
|
Giao dịch của nhóm quỹ Dragon |
Trước đó, trong 2 ngày 30 và 31/7, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital cũng tích cực giao dịch lướt sóng cổ phiếu HSG.
Cụ thể, ngày 30/7, quỹ VEIL bán ra 600.000 cổ phiếu HSG, giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm từ gần 8,03% còn hơn 7,9%, tương đương sở hữu gần 48,9 triệu cổ phiếu. Riêng VEIL giảm từ 0,15% còn gần 0,06%, tương đương 340.000 cổ phiếu.
Cổ phiếu HSG trải qua phiên 30/7 đóng cửa ở mức 22.900 đồng/cp, khả năng VEIL thu về hơn 13,7 tỷ đồng.
Sau đó 1 ngày, tức phiên 31/7, một quỹ khác cũng thuộc Dragon Capital là Hanoi Investments Holdings Limited mua vào 600.000 cổ phiếu HSG. Ngoài ra, quỹ KB Vietnam Focus Balanced Fund mua thêm 10,000 cổ phiếu, còn Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust bán ra 35.900 cổ phiếu. Tổng cộng, nhóm quỹ mua ròng 574.100 cổ phiếu HSG tại phiên 31/7.
Việc nhóm quỹ ngoại liên tục bán ra cổ phiếu trong bối cảnh tình hình kinh doanh của HSG khá tốt.
Theo BCTC quý 3 (niên độ từ 1/4-31/3), HSG ghi nhận doanh thu thuần gần 11 ngàn tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng vọt 50%, đạt hơn 1,3 ngàn tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện đáng kể, từ 10,3% lên 12,3%.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 141%, đạt 31 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay giảm 28% xuống còn 39 tỷ đồng.
Nhờ đó, HSG ghi nhận lợi nhuận sau thuế 273 tỷ đồng trong quý 3/2024, gấp 19 lần cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu niên độ tài chính 2024, HSG thu về gần 29,2 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 24% so với cùng kỳ. Lãi ròng đạt gần 700 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 410 tỷ đồng cùng kỳ. Với kết quả này, HSG đã vượt kế hoạch lãi sau thuế gần 80% chỉ sau 9 tháng.
Nhìn chung, bức tranh KQKD vừa qua của các doanh nghiệp ngành thép phân hóa khá mạnh, với điểm sáng thuộc về các công ty hàng đầu như HPG, NKG, HSG. KQKD tăng trưởng rất tốt dựa trên kết quả cùng kỳ năm ngoái ở mức rất thấp tới tiêu cực; Lợi thế quy mô, thương hiệu và công nghệ đã giúp các công ty này gia tăng thị phần tại nội địa, tận dụng được nhịp hồi phục của thị trường xây dựng trong nước; Nhóm dẫn đầu cũng khá nhạy bén trước cơ hội xuất khẩu, tạo ra lợi nhuận vượt dự báo, đặc biệt là trong phân khúc tôn mạ; Giá nguyên liệu đầu vào khá ổn định trong quý 1 được phản ánh vào giá vốn quý 2.
Tuy nhiên, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng những lợi thế và điểm sáng hiện tại chỉ là nhất thời, không thực sự bền vững do một số chính sách mới ban hành tại EU sẽ có tác động bất lợi tới hoạt động xuất khẩu, và giá nguyên liệu cũng giảm khá nhanh vào cuối quý 2 có thể tạo ra áp lực trích lập giảm giá hàng tồn kho trong quý 3.