Ngày 30/4, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI của tỷ phú Đỗ Minh Phú vừa chính thức tiếp quản Thế Giới Kim Cương. Thương vụ này diễn ra khá bất ngờ, đúng vào giai đoạn đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động nặng nề và tiêu cực tới thị trường vàng bạc trang sức nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Thế giới Kim Cương là một trong 3 công ty lớn nhất trong lĩnh vực bán lẻ trang sức tại Việt Nam. Hiện công ty này có 34 chi nhánh tại 34 tỉnh, thành phố với trên 100 trung tâm, cửa hàng tại hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị tại Việt Nam và gần 1.000 cán bộ, nhân viên.
|
Đại gia Đỗ Minh Phú – ông chủ mới của Thế giới Kim cương.
|
Sau khi thâu tóm Thế giới Kim cương với mạng lưới trên 100 cửa hàng thì DOJI đã nắm trong tay gần 200 điểm bán trên toàn quốc, thu hẹp khoảng cách với PNJ hiện có khoảng hơn 360 điểm.
Giá trị thương vụ M&A này không được tiết lộ nhưng theo các chuyên gia phỏng đoán, DOJI đã phải bỏ ra khoản vốn không hề nhỏ để thâu tóm Thế giới Kim cương.
Nhiều thương vụ chấn động thị trường
Nếu nhìn lại chặng đường kinh doanh của ông trùm vàng bạc đá quý này thì thấy, DOJI luôn “ra tay” và rất có kinh nghiệm thâu tóm các doanh nghiệp hoặc M&A vào thời điểm khủng hoảng.
Tập đoàn DOJI, với tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD được thành lập ngày 28/07/1994. Vào thời điểm những năm 90 của thế kỉ 20, Công ty TTD chính là doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động chuyên sâu về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra thị trường quốc tế, vốn là một lĩnh vực vô cùng mới mẻ tại Việt Nam.
|
Không gian mua sắm trong tòa nhà DOJI Tower tại Hà Nội. |
Năm 2006-2007, khi khủng hoảng tài chính trên thế giới nổ ra, ông Đỗ Minh Phú đã mua và chiếm cổ phần chi phối Công ty SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng, mở đường cho DOJI tấn công vào thị trường này và nhanh chóng trở thành công ty kinh doanh và phân phối vàng miếng lớn nhất cả nước.
Năm 2007, để kiện toàn bộ máy, Công ty TTD chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại DOJI. Ngày 30/06/2007, DOJI đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ vào thị trường Trang sức trong nước bằng việc Khai trương Ruby Plaza tại Hà Nội, được coi là Trung tâm Vàng bạc Đá quý & Trang sức cao cấp lớn nhất Việt Nam.
Năm 2009, để kiện toàn bộ máy cho giai đoạn chiến lược phát triển mới, DOJI đã tiến hành tái cấu trúc và chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ-con.
Năm 2011, ông Đỗ Minh Phú và người em trai đã bán 95% cổ phần của Diana cho đối tác Unicharm (Nhật Bản) với mức giá gần 4.000 tỷ đồng. Đây là thương vụ M&A lớn nhất của các doanh nghiệp tư nhân vào thời điểm đó.
Nhờ số tiền lớn này, năm 2012, DOJI đã "xuống tiền" để đầu tư vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) và ông chủ của DOJI đã trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng tím này. Đến nay, TPBank đã lọt top 10 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, dẫn đầu về lĩnh vực ngân hàng số.
Hai năm sau, DOJI "lấn sân" sang lĩnh vực bất động sản từ khi thành lập công ty DOJILand. Hiện các dự án bất động sản của DOJILand trải dài khắp cả nước như dự án tổ hợp căn hộ cao cấp. Tập đoàn đang sở hữu nhiều khu đất giá trị tại Hà Nội và TP.HCM nhưng trong đó nổi bật là tòa DOJI Tower tại số 5 Lê Duẩn (Ba Đình, Hà Nội).
Hiện DOJI có vốn chủ sở hữu 4.500 tỷ đồng, tổng tài sản 12.000 tỷ đồng. Doanh thu năm 2009 đạt mức 11.000 tỷ đồng, năm 2019 dự kiến gấp hơn 8 lần với 90.000 tỷ đồng.
Từng dính nhiều phốt
Trong nhiều năm qua, Tập đoàn DOJI đang lộ hàng loạt sai phạm như vi phạm khoảng không, mất an toàn PCCC tại dự án số 5 Lê Duẩn; tính pháp lý không minh bạch tại dự án Best Western Premier Sapphire Hạ Long…
Dự án số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI được giới đầu tư coi là “đất vàng" tại Hà Nội.
|
Toà nhà DOJI TOWER. |
Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp, số 5 Lê Duẩn được khởi công xây dựng vào ngày 30/7/2010, do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji hợp tác đầu tư. Khi được khởi công xây dựng, công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2012 nhưng đến 2019 mới hoàn thành
Giới thiệu hoành tráng là vậy, tuy nhiên khi dự án này thi công xây dựng đến tầng thứ 9, thì đột ngột dừng thi công, mãi đến năm 2017 dự án mới tiếp tục thi công trở lại, khiến dư luận hoài nghi về năng lực tài chính của chủ đầu tư tại thời điểm đó.
Đáng nói, dù dự án đã chậm tiến độ nhiều năm, nhưng vẫn được cơ quan chức năng “ưu ái”, 3 lần cấp và điều chỉnh GPXD (lần đầu được cấp vào năm 2010; lần 2, GPXD điều chỉnh cấp năm 2014; và lần 3 là phụ lục bổ sung được cấp năm 2017) cho chủ đầu tư. Theo đó, sau 3 lần điều chỉnh, công trình đã được nâng lên tới 16 tầng nổi, 3 tầng hầm. Trong khi đó, tại lần cấp phép đầu tiên, dự án này chỉ có 9 tầng nổi và 3 tầng hầm.
Cũng là một “đứa con” của Tập đoàn DOJI, Best Western Premier Sapphire Hạ Long từng được quảng cáo rầm rộ trên mạng Internet cũng như mạng xã hội Facebook về dự án này.
Song, điều đáng chú ý là, nhiều khách hàng tỏ ra hoài nghi về tính pháp lý của dự án từ chính cách quảng cáo về hình thức Condotel có sổ đỏ vĩnh viễn đối với dự án Best Western Premier Sapphire Hạ Long.