Chọn ngân hàng, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp sắp từ nhiệm

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp kiêm nhiệm liên quan đến quy định của luật mới đã quyết định ở lại vị trí tại ngân hàng...
 Sau khi nhiều người đã lần lượt đưa ra quyết định ở lại ngân hàng, cho đến nay chưa có bất kỳ trường hợp nào công bố sẽ lựa chọn rời ngân hàng và ở lại ở vị trí lãnh đạo doanh nghiệp.
Hơn một tháng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong diện phải thực hiện quy định mới đã lần lượt đưa ra lựa chọn.
Theo quy định của bộ luật trên, một người không được nắm vị trí chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc ngân hàng đồng thời là lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp khác.
Ngay sau khi luật được thông qua, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cũng là Chủ tịch công ty Him Lam, là người đầu tiên sớm đưa ra quyết định.
Ồng Dương Công Minh cho biết sẽ ở lại với vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, để tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng này, mà ông mới bắt đầu tham gia từ cuối tháng 6 vừa qua. Theo đó, ông Minh sẽ từ nhiệm tại công ty Him Lam.
Ngày 23/12 vừa qua, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), cũng là Chủ tịch tập đoàn DOJI, đã công bố quyết định lựa chọn của mình khi tọa đàm với cán bộ nhân viên. Ông Phú sẽ ở lại nắm vị trí hiện nay tại TPBank.
"Ở DOJI, chúng tôi đã có những thế hệ kế cận có thể đảm đương việc đó. Thách thức còn, khó khăn còn nhưng những người cộng sự đã làm với tôi cả thời gian qua ở DOJI có thể làm được", ông Phú nói và cho rằng quá trình hoạt động tới đây của TPBank cần ông hơn.
Sáng 28/12, phát biểu tại lễ chào sàn UPCOM của cổ phiếu Ngân hàng Bắc Á (BacABank), bà Thái Hương, Tổng giám đốc BacABank cũng đã công bố quyết định sẽ rút lui khỏi chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn TH True Milk sau 10 năm gắn bó, và ở lại vị trí hiện nay tại ngân hàng.
Cũng như ông Đỗ Minh Phú, bà Thái Hương cho biết đã đến lúc chuyển lại vị trí cho thế hệ kế cận tại TH True Milk và sứ mệnh của bà tại doanh nghiệp sữa này đã hoàn thành.
Trả lời báo chí vừa qua, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), cũng là Chủ tịch tập đoàn T&T, cho biết đã có quyết định của mình.
Cụ thể, ông Hiển sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch SHB và sẽ từ nhiệm tại T&T.
"Thời gian qua và hiện nay, tôi dành tới 90% thời gian cho công việc tại SHB. Còn tại T&T, sau quá trình thành lập và phát triển cho đến nay, cả hệ thống đã được thiết lập để chủ động vận hành", ông Hiển cho biết.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng 2017 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/1/2018. Các lãnh đạo doanh nghiệp trong phạm vi thực hiện quy định không được kiêm nhiệm nói trên sẽ phải đưa ra quyết định khi kết thúc nhiệm kỳ tại ngân hàng…
Như trên, sau khi nhiều người đã lần lượt đưa ra quyết định ở lại ngân hàng, tới đây sẽ có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lần lượt từ nhiệm.
Ngược lại, cho đến nay chưa có bất kỳ trường hợp nào công bố sẽ lựa chọn rời ngân hàng và ở lại ở vị trí lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo Hồng Nhung/VnEconomy

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN