So sánh mức giảm lãi suất giữa các ngân hàng, nên chọn nhà băng nào vay vay tiền?

Hàng loạt ngân hàng vừa công bố các gói tín dụng và giảm lãi suất cho vay, có ngân hàng giảm lãi suất tới 4,5%/năm.
Ngày 31/3 vừa qua, ngân hàng nhà nước đã họp với các ngân hàng thương mại để triển khai các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19.
2 ngày sau buổi họp, hàng loạt ngân hàng bất ngờ công bố chính thức về các gói tín dụng và giảm lãi suất cho vay, có ngân hàng giảm lãi suất cho vay tới 4,5%/năm, một số ngân hàng thì giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu.
Theo đó, HDBank giảm mạnh lãi suất cho vay từ 2-4,5% đến các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong cả nước.
Ngân hàng này có thêm nhiều gói tín dụng khác như: 10.000 tỷ đồng cho hỗ trợ bình ổn giá hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, lãi suất linh hoạt chỉ từ 6,5%/năm dành cho doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho cho các chuỗi siêu thị cho người dân; dành 5.000 tỷ đồng tài trợ ưu đãi cho các khách hàng SMEs; dành 3.000 tỷ đồng tài trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị-vật tư y tế nhằm đáp ứng nhu cầu đối phó dịch bệnh,…
So sanh muc giam lai suat giua cac ngan hang, nen chon nha bang nao vay vay tien?
Có ngân hàng giảm lãi suất cho vay tới 4,5%/năm cho các khách hàng. (Ảnh minh họa).
Trong khi, Ngân hàng Quốc Tế VIB thông báo giảm từ 0,5% đến 2,0% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ ở tất cả các lĩnh vực. Gói hỗ trợ áp dụng cho tất cả các khoản vay trung dài hạn bằng tiền VNĐ (trừ trái phiếu) có lãi suất hiện hữu từ 9,5%.
VPBank thì tung gói hỗ trợ đặc biệt thứ 2, giảm lãi suất đến 2% cho doanh nghiệp gặp khó khăn mùa dịch. Tiếp đó, là TPBank ban hành thêm các chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng giải ngân mới với tổng dư nợ lên tới 12.000 tỷ đồng. Theo đó, TPBank có các gói 5.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, gói 4.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn, và 3.000 tỷ dành cho khách hàng cá nhân, với mức lãi suất ưu đãi giảm 1,5-2,5% so với mức lãi suất hiện hành.
SHB thì tung gói tín dụng 25.000 tỷ đồng, lãi suất giảm ít nhất 2%/năm cho cả khoản vay cũ lẫn mới.
Tại cuộc họp hôm 31/3, lãnh đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank đã cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm.
Riêng VietinBank thông báo tiếp tục giảm 2% lãi suất cho vay, đưa ra chương trình tín dụng 60.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng. VietinBank đặc biệt ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Và tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng không giới hạn quy mô như: Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, Ưu đãi lãi suất cho vay cố định, Vay ưu đãi lãi tri ân dành cho khách hàng bán lẻ,...với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,2%-3%/năm so với thông thường.
Kienlongbank thì quyết định áp dụng giảm lãi vay đến 3%/năm trong hạn so với mức lãi suất đang áp dụng theo thỏa thuận của hợp đồng tín dụng đã ký kết đối với cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Kienlongbank đặc biệt áp dụng giảm lãi từ ngày ¼ đến hết ngày 30/6/2020, đối với những khách hàng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ưu tiên 5 tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp là Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang và Long An). Theo Kienlongbank, đây là chương trình nhằm bổ sung vốn sản xuất nông nghiệp (nuôi, trồng, chăm sóc) cây lúa, cây ăn trái, rau củ quả, thủy sản đối với 5 tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Trong thời gian này, ngân hàng còn hỗ trợ khách hàng miễn phạt tiền lãi nợ quá hạn và tiền lãi chậm trả lãi. Thời gian được miễn/giảm lãi suất tối đa 3 tháng và không vượt quá ngày 30/6/2020.
Trước thông tin các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, dư luận đã đặt dấu hỏi: Nên chọn "bank" nào để vay tín dụng?
Bạn đọc Cao Quỳnh Anh (34 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tâm lý của người dân trước khi vay tín dụng của các ngân hàng luôn đặt câu hỏi là ngân hàng nào rẻ nhất? Nên khi khách hàng chọn “bank” vay tín dụng thông thường sẽ chọn các ngân hàng ưu đãi, giảm lãi suất vay cao. Việc các ngân hàng đua giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng vay tín dụng ở thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay cũng là một trong “chiến lược” kinh doanh của họ”.
“Tôi thường xuyên sử dụng các dịch vụ của các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, đều thấy khá ổn và uy tín. Mặc dù lãi suất cho vay của các ngân hàng này chỉ nằm ở mức giữa so với các ngân hàng khác, nhưng nếu vay tín dụng tôi vẫn lựa chọn một trong ba ngân hàng này”, - chị Cẩm Linh (32 tuổi, Hà Nội) bày tỏ.
Khánh Hoài (Tổng hợp)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN