Trong ngày 31/3, tại cuộc họp trực tuyến triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo NHNN đã đề nghị các NHTM giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra với mức khoảng 2%/năm so với lãi suất cho vay trước khi xảy ra dịch bệnh.
Theo đó trong cuộc họp này, đại diện Vietcombank (HoSE: VCB) cho biết Ngân hàng đã có chính sách giảm lãi suất VND đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch.
Trên 112.700 tỷ đồng dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5-1,5%/năm so với mặt bằng lãi suất chung.
Thời gian tới, Vietcombank sẽ có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm tới 2,5% một năm và được hưởng mức lãi suất chỉ 4,5-5% một năm.
Vietcombank cũng tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1-1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30/4 chuyển sang đến 30/9). Lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm 300 tỷ đồng vì chính sách này.
Đại diện Agribank cho biết đã yêu cầu các chi nhánh giảm lãi 1%/năm đối với vay nội tệ và 0,5%/năm đối với vay ngoại tệ. Agribank cũng có văn bản đưa ra gói ưu đãi lãi suất 100.000 tỷ đồng, dự kiến triển khai từ 1/4.
Ngân hàng này cam kết sẽ cùng với các ngân hàng thương mại triển khai các cơ chế, chính sách, trong đó hỗ trợ giảm lãi suất thêm 2%/năm đối với các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 như hiện nay.
Tại VietinBank (HoSE: CTG), lãnh đạo Ngân hàng cho biết từ 31/3, VietinBank sẽ tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các doanh nghiệp, người dân, và có thể cao hơn 2%/năm đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.
Từ thời điểm công bố dịch (23/2) đến hết tháng 3, VietinBank đã giảm lãi suất cho vay 0,5-1,5%/năm cho gần 3.000 khách hàng với tổng dư nợ 60.000 tỷ đồng.
Đại diện BIDV (HoSE: BID) cho hay Ngân hàng đã cơ cấu giảm nợ cho 3.300 khách hàng, đồng thời miễn giảm lãi các dư nợ cũ từ 0,5-1,2%/năm. Ngân hàng cũng đã chuẩn bị gói tín dụng 125.000 tỷ đồng để giải ngân cho khách hàng vay vốn trong giai đoạn này.
BIDV tiếp tục cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho khách hàng đến sau 3 tháng ngày Chính phủ công bố hết dịch. Các khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong ngành nghề rất nặng như vận tải, hàng không, khách sạn, du lịch, dịch vụ ăn uống... sẽ được ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2%/năm đối với VND; 0,5-1% đối với USD.
|
Nhiều ngân hàng chung tay giảm lãi suất. |
ACB (HNX: ACB) thông báo cấp gói vay 25.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi đến hết 30/6. Trong đó, ACB dành 13.000 tỷ đồng cho các khách hàng cá nhân và 12.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Với khách hàng cá nhân, gói vay này ưu đãi lãi suất tối thiểu từ 7,5%/năm cho khoản vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và 8,5%/năm cho khoản vay trung dài hạn. Với doanh nghiệp SME, khách hàng có nhu cầu bổ sung vốn ngắn hạn cho hoạt động sản xuất kinh doanh có thể chọn lãi suất vay ngắn hạn từ 6,5%/năm.
Các khách hàng có nhu cầu đầu tư mua sắm/sửa chữa máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng, văn phòng… có thể chọn gói lãi suất vay trung dài hạn từ 8,5%/năm và có thể cố định lãi suất kỳ đầu 24 tháng.
Đại diện VIB cho biết, nhà băng này đã giảm 0,5-2% lãi suất trong 6 tháng (từ 1/4) cho tất cả khách hàng doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực kinh tế. Các khoản vay được áp dụng giảm lãi bao gồm vay trung dài hạn bằng tiền VND (trừ trái phiếu) có lãi suất hiện hữu từ 9,5%/năm.
Theo ước tính từ VIB, có khoảng 9.500 khách hàng với 10.000 tỷ đồng dư nợ thuộc diện giảm lãi suất nói trên.
HDBank (HoSE: HDB) công bố giảm mạnh lãi suất vay ưu đãi từ 2-4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước mà không yêu cầu chứng minh khó khăn do dịch COVID-19.
Trước đó, HDBank đã đưa ra gói tín dụng cho nhiều đối tượng khách hàng trong mùa dịch Covid 19 như 10.000 tỷ đồng cho hỗ trợ bình ổn giá hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, lãi suất linh hoạt chỉ từ 6,5%/năm dành cho doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho cho các chuỗi siêu thị cho người dân; dành 5.000 tỷ đồng tài trợ ưu đãi cho các khách hàng SMEs.
VPBank (HoSE: VPB) cho biết tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ đang và có nhu cầu vay vốn tại VPBank sẽ được giảm lãi suất tới 2%/năm so với mức liền kề trước đây.
Cụ thể, với các khoản vay VND, có tài sản bảo đảm thì lãi suất sẽ được giảm tối đa 1,5%/năm. Còn không có tài sản bảo đảm thì được giảm 2%/năm.
Đối với các khoản vay bằng USD, VPBank áp dụng mức giảm lãi suất là 1%/năm dù có tài sản bảo đảm hay không.
Cả Kienlongbank, NamABank, Vietcapital Bank... đều đã công bố các chính sách giảm lãi suất với dư nợ vay hiện hữu, cơ cấu lại nợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, mức lãi suất giảm phổ biến quanh mức 1,5-2%/năm.
Trong khi nhiều tổ chức tín dụng giảm sẵn sàng giảm sâu lãi suất thì một số ngân hàng vẫn chưa hề có động thái như Sacombank, Eximbank, OCB,…