SBBS phát hành 20 triệu cổ phiếu nhưng Saigon Bank ‘không mặn mà’

SBBS chào bán 20 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng cho cổ đông hiện hữu nhưng Saigon Bank lại mang quyền mua ra bán đấu giá.
Trong tháng 9 này, CTCP Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) sẽ phát hành 20 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp theo tỷ lệ 3:2.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigon Bank, SGB) lại thông báo bán đấu giá công khai quyền mua cổ phần của Saigon Bank tại SBBS.
Theo đó, Saigon Bank đấu giá tổng số lượng quyền mua cổ phần là 3,3 triệu quyền mua, tương ứng số cổ phần được mua 2,2 triệu cổ phần. Saigon Bank đưa ra mức giá khởi điểm một quyền mua cổ phần là 994 đồng/quyền mua cổ phần.
Đặt cọc đấu giá 10% giá khởi điểm một quyền mua cổ phần, thời gian đấu giá vào ngày 19/9. 
Được biết, tại thời điểm cuối tháng 6/2024, cổ đông lớn của SBBS gồm bà Nguyễn Thị Hương Giang nắm 40,22%, Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa 13,33% vốn, Inter Pacific Securities Sdn Bhd cũng nắm 13,33%, Saigon Bank sở hữu 11% vốn và bà Đinh Thị Thu Trang nắm 6,81% vốn SBBS. 
Điều đáng nói, phương án phát hành tăng vốn từ 300 tỷ lên 500 tỷ của SBBS không được đa số cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4/2024 thông qua. 
Cụ thể, ĐHĐCĐ ghi nhận số cổ phiếu tán thành chiếm 69,73%, số cổ phiếu không tán thành 30,27%, nhóm 4 cổ đông này không tán thành việc đưa tờ trình phương án chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ vào chương trình đại hội. Mặc dù vậy, với tỷ lệ biểu quyết như trên, đại hội đã thông qua chương trình làm việc. 
Toàn bộ số tiền dự kiến thu được 200 tỷ đồng, SBBS dùng để bù đắp vốn chủ sở hữu còn thiếu đối với nghiệp vụ môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán. Đồng thời, bổ sung thêm nghiệp vụ kinh doanh, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động của Công ty như tự doanh chứng khoán 50 tỷ đồng, bảo lãnh phát hành chứng khoán 165 tỷ đồng và cuối cùng là vốn lưu động.
SBBS phat hanh 20 trieu co phieu nhung Saigon Bank ‘khong man ma’
 
Ngoài ra, hai vấn đề khác mà nhóm 4 cổ đông có ý kiến không tán thành là tờ trình về việc bổ sung nghiệp vụ kinh doanh (gồm tự doanh và bảo lãnh phát hành chứng khoán) và thông qua quy chế quản trị nội bộ về quản trị công ty, quy chế hoạt động của HĐQT, quy chế hoạt động của Ban kiểm soát.
Năm 2024, SBBS đặt mục tiêu tổng doanh thu ở mức 12,4 tỷ đồng, tăng khoảng 58% so với thực hiện năm 2023. Lãi trước thuế 356 triệu đồng, lãi sau thuế ở mức tương ứng. Năm trước, SBBS lỗ gần 7,3 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2024, SBBS lãi sau thuế gần 3,3 tỷ đồng, thay vì chịu lỗ gần 3,6 tỷ đồng như 6 tháng đầu năm trước. Qua đó, thu hẹp tổng số lỗ lũy kế đến ngày 30/06/2024 còn hơn 266 tỷ đồng. 
Tổng tài sản của SBBS tại ngày 30/6/2024 gần 46 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Trong đó, số dư cho vay margin gần 16 tỷ đồng.
Bảng cân đối của SBBS đáng chú ý với giá trị các khoản phải thu gần 192 tỷ đồng, phải trích dự phòng gần toàn bộ. So với thời điểm đầu năm, phần dự phòng này giảm gần 8,8 tỷ đồng, tương ứng giá trị đã hoàn nhập ghi nhận trong chi phí quản lý doanh nghiệp nêu trên.
Được biết, SBSS phải thu chủ yếu đối với bà Huỳnh Thị Huyền Như, liên quan đến vụ án đã diễn ra từ năm 2011, tổng số tiền 210 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã thu hồi được hơn 18 tỷ đồng.
Với vụ án này, SBBS đã tiến hành nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm đến Tòa án Nhân dân tối cao để yêu cầu Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) có trách nhiệm bồi thường 210 tỷ đồng cùng tiền lãi.
Vụ án Huyền Như cũng khiến một công ty chứng khoán khác phải “ôm nợ” là Chứng khoán Phương Đông (ORS). Sau này khi Công ty tái cấu trúc thành Chứng khoán Tiên Phong, khoản nợ 379 tỷ đồng đã được xóa.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN