Phó Tổng Giám đốc FLC bất ngờ xin từ chức trước thềm đại hội bất thường

Bà Trần Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc Thường trực và Người phụ trách Quản trị tại Tập đoàn FLC, đã xin từ chức khỏi các vị trí này. Quyết định được đưa ra ngay trước Đại hội đồng cổ đông bất thường.
Pho Tong Giam doc FLC bat ngo xin tu chuc truoc them dai hoi bat thuong
Bà Trần Thị Hương - Phó Tổng Giám đốc Thường trực và Người phụ trách Quản trị tại Tập đoàn FLC vừa xin từ chức
Tập đoàn FLC vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc bà Trần Thị Hương từ chức các vị trí tại tập đoàn. Theo đó, bà Hương sẽ thôi giữ chức Phó Tổng Giám đốc thường trực và phụ trách quản trị từ ngày 22/8.
Được biết, bà Trần Thị Hương có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh từ Đại học Northumbria, Anh, và Cử nhân Kinh doanh Quốc tế từ Đại học Ngoại thương, Hà Nội.
Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc FLC vào ngày 22/12/2022, bà Hương từng giữ nhiều vị trí quản lý cấp cao, bao gồm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes, Giám đốc Nhân sự Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đô thị Việt Hưng, và Trưởng Ban Nhân sự Tập đoàn FLC.
Việc bà Hương xin từ chức thành viên HĐQT sẽ được trình lên đại hội đồng cổ đông tại kỳ họp gần nhất để xem xét. Gần đây, FLC đã bất ngờ triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường, với danh sách cổ đông tham dự sẽ được chốt vào ngày 12/9. Thời gian và địa điểm tổ chức cuộc họp vẫn chưa được công bố.
Nội dung cuộc họp bao gồm việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, ban kiểm soát, cùng với việc sửa đổi quy chế hoạt động của HĐQT và ban kiểm soát. Đến nay, FLC vẫn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Báo cáo quản trị của FLC cho thấy, nửa đầu năm nay, tập đoàn đã trải qua nhiều biến động trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên tháng 2, nghị quyết đã thông qua việc miễn nhiệm 4 nhân sự: ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm rời khỏi Hội đồng quản trị từ ngày 20/2, cùng với ông Nguyễn Tri Thống và ông Nguyễn Quang Thái rời khỏi Ban kiểm soát.
Nghị quyết cũng bầu bổ sung ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh vào Hội đồng quản trị, cùng với bà Nguyễn Thị Vân Anh và bà Nguyễn Thu Hiền vào Ban kiểm soát, nhiệm kỳ 2021-2026.
Hiện tại, Hội đồng quản trị FLC gồm 5 thành viên: Chủ tịch Lê Bá Nguyên, cùng các thành viên là bà Vũ Đặng Hải Yến, bà Trần Thị Hương, ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh.
Tại ĐHĐCĐ bất thường vào cuối tháng 2/2024, FLC thông báo sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và tập trung vào ba lĩnh vực cốt lõi: kinh doanh bất động sản, nghỉ dưỡng và M&A các dự án. Mục tiêu là tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.
Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh bất động sản với doanh thu 1.187 tỷ đồng. Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, FLC đặt mục tiêu đạt 1.213 tỷ đồng doanh thu, đủ để duy trì hoạt động và thực hiện các cam kết với cơ quan nhà nước, khách hàng, và ngân hàng.
FLC chưa công bố báo cáo tài chính từ quý 4/2022 đến nay, khiến tình hình tài chính không rõ ràng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết tổng tài sản hiện tại đạt hơn 21.000 tỷ đồng. FLC cũng đặt mục tiêu sớm kiểm toán báo cáo tài chính để quay lại giao dịch trên UPCoM. 
Pho Tong Giam doc FLC bat ngo xin tu chuc truoc them dai hoi bat thuong-Hinh-2
 Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết
Trong vụ án liên quan đến FLC, Tòa án TP Hà Nội đã tuyên án 50 bị cáo sau 2 tuần xét xử và nghị án. Các bị cáo bị xét xử với các tội danh gồm "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Thao túng thị trường chứng khoán", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", và "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".
Cựu Chủ tịch FLC, ông Trịnh Văn Quyết, bị tuyên 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 3 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", tổng cộng là 21 năm tù.

Quỳnh Ái

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN