Dàn lãnh đạo An Phát Holdings bất ngờ thoái sạch vốn trước thềm Đại hội bất thường

Trước thông tin Chủ tịch An Phát Holdings, ông Phạm Ánh Dương, đăng ký bán toàn bộ gần 5% cổ phần APH mà ông nắm giữ, thị giá cổ phiếu APH đã giảm mạnh.
Dan lanh dao An Phat Holdings bat ngo thoai sach von truoc them Dai hoi bat thuong
Dàn lãnh đạo An Phát Holdings bất ngờ thoái sạch vốn trước thềm Đại hội bất thường 
Tập đoàn An Phát Holdings vừa thông báo Chủ tịch HĐQT Phạm Ánh Dương đã đăng ký bán toàn bộ 11,87 triệu cổ phiếu APH, tương đương 4,87% vốn tại công ty. Giao dịch này nhằm "tái cơ cấu danh mục đầu tư" và dự kiến diễn ra từ ngày 27/8 đến 25/9/2024 theo hình thức thoả thuận hoặc khớp lệnh. Nếu thành công, ông Dương sẽ không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu APH nào, ước tính thu về khoảng 90,9 tỷ đồng.
Trước ông Dương, nhiều lãnh đạo cấp cao khác cũng đã thoái sạch vốn tại An Phát Holdings. Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính Hòa Thị Thu Hà và Phó Tổng Giám đốc Trần Thị Thoản đều đã đăng ký bán 500.000 cổ phiếu, tương đương 0,21% vốn.
Tổng Giám đốc Phạm Đỗ Huy Cường cũng đã đăng ký bán 1,875 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 0,46%. Thành viên HĐQT Nguyễn Thị Tiện bán ra 875.000 cổ phiếu, hạ tỷ lệ sở hữu xuống 0,05%. Tổng cộng, nhóm lãnh đạo này đã rút khỏi 6,42% vốn điều lệ của An Phát Holdings.
Dan lanh dao An Phat Holdings bat ngo thoai sach von truoc them Dai hoi bat thuong-Hinh-2
 Ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch HĐQT An Phát Holdings 
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu APH giảm mạnh 6,59% xuống còn 7.630 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 23/8, sau thông tin về việc lãnh đạo cấp cao thoái vốn. Vốn hóa thị trường của An Phát Holdings theo đó giảm xuống còn 1.860 tỷ đồng. Không chỉ APH, các cổ phiếu thành viên khác của tập đoàn cũng bị ảnh hưởng: NHH giảm 6,3%, AAA giảm 2,8%, và HII giảm 2,2%.
Dan lanh dao An Phat Holdings bat ngo thoai sach von truoc them Dai hoi bat thuong-Hinh-3
 Diễn biến thị giá cổ phiếu APH trong thời gian qua
Từ khi thành lập vào tháng 3/2017 với vốn điều lệ chỉ 15 tỷ đồng, An Phát Holdings đã nhanh chóng tăng vốn lên 1.241 tỷ đồng vào tháng 2/2018, gấp 82 lần chỉ trong vòng chưa đầy một năm.
Năm 2020, An Phát Holdings niêm yết cổ phiếu APH trên sàn HOSE và trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trong ngành nhựa tại thời điểm đó. Vốn điều lệ của công ty tiếp tục tăng mạnh, đạt đỉnh 2.512 tỷ đồng vào tháng 3/2022, trước khi giảm xuống còn 2.438 tỷ đồng vào năm 2023.
Từ khi thành lập, An Phát Holdings luôn có mối quan hệ chặt chẽ với Nhựa An Phát Xanh (mã chứng khoán: AAA). Cả 3 thành viên sáng lập An Phát Holdings đều là người nội bộ của Nhựa An Phát Xanh vào thời điểm tháng 3/2017. Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị An Phát Holdings, đồng thời cũng giữ chức Chủ tịch Nhựa An Phát Xanh cho đến tháng 6/2022, khi ông Nguyễn Lê Thành Long kế nhiệm.
Cuối năm 2018, An Phát Holdings nâng sở hữu tại Nhựa An Phát Xanh lên 43,99%, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Sau đó, An Phát Holdings tiếp tục mua cổ phiếu để đạt tỷ lệ sở hữu 51%, trở thành cổ đông chi phối.
Cùng thời gian này, An Phát Holdings đã thực hiện nhiều thương vụ lớn, đáng chú ý là việc thâu tóm Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội từ Công ty TNHH MTV Cadivi Đồng Nai. Họ cũng hợp tác với VinFast để thành lập Công ty TNHH Linh kiện Nhựa Ô tô VinFast - An Phát (VAPA), với vốn điều lệ 420 tỷ đồng, do VinFast và An Phát Holdings mỗi bên góp 50%.
Mặc dù An Phát Holdings liên tục tăng vốn và thực hiện nhiều thương vụ lớn, tình hình kinh doanh của công ty vẫn không ổn định, chịu nhiều biến động từ thị trường và hoạt động sản xuất.
Trong quý 2/2024, An Phát Holdings ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.252 tỷ đồng, gần như không đổi so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm 155 tỷ đồng, giúp lợi nhuận gộp tăng 54,4%, đạt 458,5 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 45% lên 102 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp duy trì ở mức 91 tỷ đồng và 113 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 47% lên 208 tỷ đồng.
Sau khi trừ thuế và các chi phí, An Phát Holdings báo lãi hơn 109 tỷ đồng, gấp 11,5 lần so với quý 2/2023, nhưng giảm so với mức lãi 133 tỷ đồng của quý 1/2024.
Công ty giải trình rằng việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm có biên lợi nhuận cao, đã giúp gia tăng lợi nhuận gộp. Ngoài ra, công ty cũng hưởng lợi từ điều kiện thị trường thuận lợi, giúp doanh thu tăng so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, An Phát Holdings đạt doanh thu 6.640 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 242 tỷ đồng, giảm 10% và tăng 438% so với nửa đầu năm 2023, tương ứng hoàn thành 47% kế hoạch doanh thu và 77% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của An Phát Holdings tăng 3,7% so với đầu năm, đạt 12.833 tỷ đồng, bao gồm 2.361 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, 1.417 tỷ đồng đầu tư giữ đến ngày đáo hạn, 1.967 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, và 2.722 tỷ đồng tài sản cố định.
Nợ phải trả của An Phát Holdings tăng 4,2% so với đầu năm, lên 6.922 tỷ đồng, bao gồm 649 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, 184 tỷ đồng người mua trả trước ngắn hạn, và 1.926 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn.
Nợ vay tài chính chiếm hơn nửa tổng nợ, gồm 3.086 tỷ đồng vay ngắn hạn, 549 tỷ đồng vay dài hạn (chủ yếu từ ngân hàng), và 633 tỷ đồng dư nợ trái phiếu.
Vốn chủ sở hữu đến cuối quý 2/2024 đạt 5.911,5 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đang âm gần 145 tỷ đồng. Con số âm này đã khiến cổ phiếu APH bị đưa vào diện cảnh báo. Đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 73,4 tỷ đồng nhưng cuối năm 2023 lại âm 171 tỷ đồng.
An Phát Holdings giải thích rằng vào tháng 11/2023, hai công ty con là Nhựa An Phát Xanh và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát (APC) đã mua lại 18,3 triệu cổ phần của CTCP Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát 1 (APC1), tương đương 49% cổ phần, với tổng giá 603 tỷ đồng.
Khoản chênh lệch 218,6 tỷ đồng giữa giá mua và phần sở hữu tăng thêm trong tài sản thuần của APC1 đã được ghi nhận làm giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất, dẫn đến con số âm vào cuối năm 2023.
Quỳnh Ái

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN