OCB nói gì về lợi nhuận 9 tháng sụt giảm và chất lượng tài sản?

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng 2024 với tổng thu nhập hoạt động đạt 6.851 tỷ, trong đó thu thuần từ lãi 5.952 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng nhẹ lên 288,6 tỷ đồng trong bối cảnh tình hình tỷ giá dần ổn định trở lại. Hay lãi thuần từ hoạt động khác tăng vọt gấp 2,5 lần lên 264 tỷ đồng.
Chỉ riêng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 14% về còn 468 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 122 tỷ đồng, cụ thể là trái phiếu Chính phủ, ghi nhận giảm do điều kiện thị trường không thuận lợi. OCB cho biết hiện tại đang tiến hành thực hiện tái cơ cấu danh mục trái phiếu nhân cơ hội lãi suất đang cao, từ đó hoạt động này được kỳ vọng sẽ giúp thu thuần ngoài lãi của ngân hàng trong giai đoạn tới sẽ có những biến chuyển tích cực.
Kỳ này, OCB tăng mạnh chi phí hoạt động lên 2,742 tỷ đồng do ưu tiên bổ sung nguồn lực nhân sự, số lượng nhân viên tăng 11%, đồng thời thu nhập trung bình tăng lên 10%, ở mức 28,5 triệu/ tháng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, OCB còn đầu tư, mở rộng quy mô mạng lưới hoạt động trên toàn quốc. Cụ thể, ngân hàng đã khai trương mở mới 17 chi nhánh/ phòng giao dịch, nâng tổng điểm giao dịch lên 176, tại 48 tỉnh thành.
Ngoài ra, OCB cũng tăng dự phòng rủi ro tín dụng cũng lên 1.555 tỷ đồng. Chi phí dự phòng lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận tăng 773 tỷ so với cùng kỳ, nhằm tăng bộ đệm, đảm bảo hoạt động của ngân hàng trước thực trạng nợ xấu vẫn có xu hướng đi lên bởi ảnh hưởng chung của thị trường.
Do đó, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của nhà băng này đạt 2.017,7 tỷ đồng, giảm 35,5% so cùng kỳ. Riêng trong quý 3/2024, lợi nhuận sau thuế của OCB chiếm 347 tỷ đồng. 
Theo OCB, hoạt động dịch vụ của ngân hàng bắt đầu có chuyển biến tốt nhờ hoạt động chuyển đổi số. Cụ thể, chỉ sau 4 tháng ra mắt ứng dụng OCB OMNI thế hệ mới, tính đến 30/9/2024, số lượng giao dịch trên nền tảng này đã tăng 71% so với cùng kỳ, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 26% và tiền gửi có kỳ hạn (eSaving) tăng 37%.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh số giao dịch thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ quốc tế tăng 20% và thu thuần tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, số lượng phát hành thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế của quý 3/2024 tăng 34% so với quý 2/2024.
OCB noi gi ve loi nhuan 9 thang sut giam va chat luong tai san?
 
Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản của OCB đạt 265.502 tỷ đồng, tăng 10,6% so với thời điểm cuối năm 2023. Huy động thị trường 1 đạt 176.287 tỷ đồng, hồi phục tích cực nhờ OCB cơ cấu lại cấu trúc huy động nhằm tối ưu hóa chi phí. Tiền gửi khách hàng duy trì kết quả khả quan ở mức 136.535 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm 2023.
Đặc biệt, OCB ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng thị trường 1 ở mức 10,4% trong 9 tháng đầu năm 2024, cao hơn trung bình ngành. Trong đó, dư nợ tín dụng tập trung, tăng mạnh tại hai phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân (RB) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), với mức tăng lần lượt 6,9% và 25,9%.
Về quản lý chất lượng tài sản, OCB cũng lưu ý, ngân hàng đã ghi nhận 1.503 tỷ đồng các khoản nợ chờ xử lý đã có tài sản gán xiết nợ, gán nợ và nợ tồn đọng có tài sản bảo đảm. 
Còn nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9/2024 tăng 29% lên 5.036 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 2,65% của đầu năm lên 3,19%.
Về vấn đề này, OCB cho biết ngân hàng chủ động đưa ra phương án xử lý đối với khoản vay có vấn đề, đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm rủi ro trong giai đoạn khó khăn. Nhất là sau cơn bão Yagi, để kịp thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, OCB xem xét đưa ra nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp, tùy mức độ thiệt hại của từng khách hàng. 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN