Qua đó, khối lượng sở hữu nâng lên 9,5 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 11,63% vốn.
Đồng thời, ông Smit Cheancharadpong (Thái Lan) thông báo đã bán ra đúng lượng cổ phiếu trên vào ngày 23/10 và không còn là cổ đông của Vneco.
Phiên ngày 23/10 ghi nhận cổ phiếu VNE có giao dịch thỏa thuận khối lượng 4,32 triệu đơn vị, trị giá 32,2 tỷ đồng.
Mã chứng khoán VNE đã có 13 phiên giảm giá liên tiếp từ vùng 11.600 đồng/cp xuống 6.040 đồng/cp với 7 phiên giảm sàn liên tiếp. Điều này khiến 2 lãnh đạo của doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu.
Ngày 25/10, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT bị bán giải chấp 1,4 triệu cổ phiếu và ngày 24/10 bị bán 33.000 cổ phiếu. Qua đó, khối lượng cổ phiếu ông Tuấn nắm giữ giảm từ 3,8 triệu đơn vị (4,69%) xuống 2,4 triệu đơn vị (2,94%).
Không chỉ bị bán thụ động, lãnh đạo này cũng đã đăng ký bán ra thêm 409.010 cổ phiếu để tái cấu trúc khoản đầu tư từ ngày 30/10 đến 17/10. Nếu giao dịch thành công, ông Tuấn sẽ giảm sở hữu xuống 2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,44%.
Cùng với đó, CTCP Malblue – tổ chức liên quan đến Chủ tịch HĐQT đã và đang liên tục bán ra hàng triệu cổ phiếu VNE. Cụ thể, Malblue đã bán 4,6 triệu cổ phiếu VNE từ 13/9 đến 3/10. Doanh nghiệp đăng ký bán tiếp 3,6 triệu cổ phiếu từ 12/10 đến 9/11. Nếu giao dịch thành công, Malblue sẽ giảm sở hữu từ 11,1 triệu đơn vị xuống 2,9 triệu đơn vị, tỷ lệ 12,28% vốn xuống 3,2% vốn. Mục tiêu là để tái cấu trúc khoản đầu tư.
Vào ngày 17/10, ông Trần Quang Cần, Phó Chủ tịch HĐQT cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp 391.500 cổ phiếu. Sau giao dịch, ông Cần còn sở hữu 6,7 triệu cổ phiếu, chiếm 8,19% vốn.
Ngoài ra, ông Trần Văn Huy, Phó Tổng giám đốc cũng vừa bán ra 100.000 cổ phiếu từ ngày 19/9 đến 13/10 để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Sau giao dịch, ông Huy còn sở hữu 4.500 cổ phiếu VNE.
Như vậy, còn lượng lớn cổ phiếu VNE từ các cổ đông lớn và người nội bộ bán ra chưa xác định được danh tính cổ đông mới thay thế.
Vneco hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật, xây lắp, cung cấp thiết bị trọn gói, chuyển giao công nghệ và đầu tư các dự án về nguồn điện, hệ thống lưới điện cho ngành điện, công nghiệp và hạ tầng. Kết quả kinh doanh nửa đầu năm của Vneco giảm mạnh. Doanh thu giảm 64% xuống 475 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hoạt động xây lắp điện giảm 79%, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 30%. Do vậy, lãi ròng giảm phân nửa xuống 3,2 tỷ đồng.
Bà chủ sơn MYKOLOR tái xuất
Bà La Mỹ Phượng là Tổng giám đốc của Công ty 4 Oranges Co., Ltd – công ty sơn trang trí hàng đầu tại thị trường Việt Nam và là một trong nhà sản xuất sơn lớn nhất Đông Nam Á. Doanh nghiệp có nhiều thương hiệu sơn lớn khác như SONBOSS, SPEC, OEXPO, EXPO và MYKOLOR.
Công ty 4 Oranges Co., Ltd được giới thiệu là doanh nghiệp có vốn nước ngoài, đầu tư vào thị trường Việt Nam từ 2004 với nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp Đức Hòa 1 Hạnh Phúc, thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Việt Nam.
Ông Smit Cheancharadpong - người chuyển nhượng 4,3 triệu cổ phiếu VNE cho bà Phượng chính là Chủ tịch HĐTV của 4 Oranges Co., Ltd.
Trước đó, nữ đại gia đã mua 691.100 cổ phiếu DHA của Hóa An (HoSE: DHA) để nâng sở hữu lên 9,38% vốn, trở thành cổ đông lớn từ 12/10. Xét theo thị giá ngày trở thành cổ đông lớn, bà Phượng đã chi khoảng 44 tỷ đồng để tăng sở hữu tại DHA.
La Mỹ Phượng không phải là cái tên xa lạ trên thị trường chứng khoán. Giai đoạn 2020 – 2021, nhà đầu tư này nổi tiếng với phong cách đầu tư “mua là thành cổ đông lớn” của loạt doanh nghiệp có cổ phiếu trà đá như Chứng khoán BOS (ART), Năng lượng và Bất động sản MCG (UPCoM: MCG), Chứng khoán SBS (UPCoM: SBS), Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (HNX: VIG). Cho đến nay, bà Phượng vẫn là cổ đông lớn của các doanh nghiệp trên.
Khá khác biệt, cổ phiếu DHA có thị giá cao trên 40.000 đồng/cp nhưng vốn điều lệ nhỏ chỉ 150 tỷ đồng. Do vậy, chỉ cần mua khối lượng nhỏ cũng đủ để nữ đại gia trở thành cổ đông lớn.