Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank, UPCoM: BVB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần giảm hơn 14% so cùng kỳ, về mức 398 tỷ đồng.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận tăng giảm không đồng nhất, trong đó lãi thuần từ hoạt động khác sụt tới 73% về vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng. Thậm chí kinh doanh ngoại hối còn lỗ 900 triệu đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 36 tỷ đồng.
Chỉ riêng lãi thuần từ dịch vụ tăng nhẹ 6% lên gần 17 tỷ đồng và lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đã có lãi 41 tỷ đồng thay vì lỗ 8 tỷ như cùng kỳ.
Mặc dù dự phòng rủi ro tín dụng kỳ này giảm 29% về còn 44 tỷ đồng song lãi ròng của BVBank chỉ vỏn vẹn 4,5 tỷ đồng, suy giảm 67% so cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng, thu nhập lãi thuần của BVBank tiếp tục đi lùi 21% về còn 1.050 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 15% khi chiếm 141 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế của BVB chỉ vọn vẹn 12,8 tỷ đồng, lao dốc 85% so cùng kỳ và mới thực hiện được 12% kế hoạch đề ra.
Theo BVBank, cũng tương tự như bức tranh chung của NHTM, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động vốn đã giảm nhiều nhưng gánh nặng chi phí huy động vốn ở mức lãi suất cao từ cuối quý 3/2023 vẫn còn lớn (chi phí huy động vốn tăng 54% so với cùng kỳ 2022). Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng thấp ở mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh 2% – 3%; chất lượng tín dụng suy giảm do khó khăn chung của thị trường bất động sản và nền kinh tế đã và đang tác động lớn đến thu nhập và dự phòng rủi ro của Ngân hàng.
BVBank cho rằng, từ cuối quý 3, nền kinh tế có những dấu hiệu hồi phục nhất định, hoạt động của khách hàng có khởi sắc hơn, qua đó tạo tiền đề giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngân hàng những tháng cuối năm, đặc biệt cho vay và thu hồi công nợ của Ngân hàng trong thời gian còn lại của 2023.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của BVBank tăng 7% so với đầu năm, lên mức 84.287 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khác hàng tăng 4% lên 53.030 tỷ đồng, đều là dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, không có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp.
Tiền gửi khách hàng cũng tăng 7% so đầu năm khi đạt 53.866 tỷ đồng. Tổng huy động vốn đạt gần 76.400 tỷ đồng, tăng 5%, trong đó, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 64.000 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu lại tăng mạnh 33% khi chiếm 1.887 tỷ đồng. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,79% đầu năm lên 3,56%.