Ông Nguyễn Mạnh Cường, em trai Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quang Định vừa đăng ký bán toàn bộ 397.500 cổ phiếu PGB, tương đương 0,13% vốn để cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 25/3-25/4, theo phương thức khớp lệnh.
Kể từ cuối tháng 1, giá cổ phiếu này ghi nhận tăng gần 42% lên mức 17.000 đồng/cp tính đến kết phiên 17/3. Ước tính với mức giá này, ông Cường có thể thu về gần 6,8 tỷ đồng nếu hoàn tất giao dịch.
Mới đây, PG Bank có công bố phương án xem xét dừng sáp nhập vào HDBank. Tháng 4/2018, ĐHĐCĐ đã thông qua nội dung sáp nhập PG Bank vào Ngân hàng TMCP Phát triển Hồ Chí Minh (HD Bank).
Mặc dù, hai ngân hàng đã khẩn trương, tích cực triển khai giao dịch sáp nhập cũng như đàm phán các nội dung liên quan. Hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc vào tháng 10/2018.
|
Em Chủ tịch muốn thoái vốn khỏi PG Bank. |
Tuy nhiên, cho đến nay giao dịch sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa được chính thức chấp thuận. Thời gian sáp nhập kéo dài gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của PG Bank.
Do vậy, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên 2021 xem xét thông qua việc dừng giao dịch sáp nhập PG Bank vào HDBank.
Còn về kế hoạch sắp tới, PGBank đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 tổng tài sản 37.349 tỷ đồng, tăng 3,3% so năm 2020. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 27.640 tỷ đồng tăng trưởng 7,7% so với 2020, tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng kế hoạch là 7,6%.
Tổng huy động khách hàng 32.518 tỷ, tăng 3%, trong đó huy động vốn thị trường I đạt 30.411 tỷ đồng, tăng trưởng 5,8%. Trong cơ cấu huy động thị trường I: huy động từ bán lẻ là 21.811 tỷ đồng tăng trưởng 11,4% so với 2020, huy động KHDN bao gồm cả huy động Petrolimex là 8.600 tỷ đồng giảm 5,6% so với năm 2020.
Lợi nhuận trước thuế 310 tỷ đồng, tăng 46% so với thực hiện năm 2020.
PGBank cho biết sẽ kiên quyết và xử lý quyết liệt để nhanh chóng xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu, trong đó tập trung xử lý các khách hàng đã bán nợ cho VAMC để sớm thu hồi nợ và hoàn nhập chi phí dự phòng đã trích lập.