NCB hoãn đại hội bất thường do dịch COVID-19 phức tạp

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) vừa công bố thông tin về việc hoãn họp đại hội cổ đông bất thường năm 2021.

Cụ thể, ngày 22/7, nhà băng đã quyết định hoãn tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến diễn ra vào 14h ngày 23/7 do diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp và phát sinh sự cố kỹ thuật.
Theo đó, việc họp đại hội đồng cổ đông bất thường sẽ được diễn ra vào 14h ngày 29/7 sau khi NCB khắc phục sự cố và chuẩn bị kỹ càng các phương án phòng chống dịch. 
Đại hội bất thường của NCB sẽ tiến hành bầu bổ sung 2 Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 nhằm hoàn thiện cơ cấu của HĐQT, đảm bảo tuân thủ các quy định và tăng năng lực quản trị ngân hàng trong thời gian tới. 
NCB chưa công bố danh sách ứng viên HĐQT mà sẽ được công bố tại phiên họp sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Hiện HĐQT của NCB gồm 5 thành viên gồm Chủ tịch Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Vũ Mạnh Tiến, Thành viên Phạm Thế Hiệp, Trần Hải Anh và Tamaki Kido. 
NCB hoan dai hoi bat thuong do dich COVID-19 phuc tap
 

Tiền gửi khách hàng suy giảm, lợi nhuận quý 2 tăng vọt

NCB cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 với thu nhập lãi thuần gần 254 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so cùng kỳ. 

Hoạt động dịch vụ đem về khoản lãi hơn 76 tỷ đồng, gấp 6.8 lần cùng kỳ. Các khoản thu nhập phi tín dụng khác cũng có lãi như hoạt động kinh doanh ngoại hối 85 triệu đồng, mua bán chứng khoán đầu tư hơn 13 tỷ đồng.

Đáng nói, kỳ này NCB chỉ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 13 tỷ, giảm 18%, mà không còn ghi nhận các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc.

Do đó, NCB báo lãi sau thuế quý 2 gấp 12.3 lần cùng kỳ khi đạt gần 79 tỷ đồng. 

Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của NCB tăng 69% lên 319 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ gần 14 tỷ đồng nhưng NCB còn 180 tỷ đồng trích cho các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc. 

Sau cùng, NCB ghi nhận lợi nhuận sau thuế 101 tỷ đồng, gấp 5.4 lần cùng kỳ.

Tổng tài sản của NCB tính đến cuối quý 2 giảm 6% so với đầu năm, còn gần 83,970 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tiền gửi tại NHNN giảm 74%, tiền gửi tại TCTD khác giảm 21%; riêng cho vay khách hàng tăng 4% lên 41,740 tỷ đồng.

Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng lại giảm 4% so với đầu năm về còn gần 68,904 tỷ đồng.

Nợ xấu của NCB tính đến 30/06/2021 xấp xỉ đầu năm, giữ ở mức 616 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ 1.51% của đầu năm xuống còn 1.48%.
NCB vừa công bố phương án triển khai chào bán 150 triệu cổ phiếu ra công chúng nhằm tăng vốn lên 5.601 tỷ đồng. 
Theo đó, NCB dự kiến phát hành 150 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 36,87% và với mức giá 10.000 đồng/cp. 
Thời gian phát hành dự kiến trong quý 3 và 4/2021. Vốn thu được từ đợt phát hành, Ngân hàng dùng để bổ sung vốn kinh doanh (1.000 tỷ đồng), thay đổi và xây dựng hình ảnh thương hiệu (50 tỷ), đầu tư phát triển hạng mục Digital Banking (150 tỷ), và tăng vốn bổ sung cho Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Quốc Dân (300 tỷ).
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN