Giả mạo lãnh đạo và hình ảnh ngân hàng cho vay tài chính
Ngày 21/7, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB) đã phát đi thông báo khẩn về việc một số tài khoản mạng xã hội mạo danh và sử dụng trái phép hình ảnh của lãnh đạo cũng như hình ảnh ngân hàng SHB và Công ty tài chính tiêu dùng SHB Finance (SHB FC).
Cụ thể, trên mạng xã hội Facebook, Zalo, thời gian gần đây xuất hiện một số tài khoản sử dụng hình ảnh Tổng Giám đốc SHB – ông Nguyễn Văn Lê và tên, hình ảnh của ông Đỗ Quang Vinh – Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ SHB, Chủ tịch HĐTV SHB FC, nhằm mục đích quảng bá, lôi kéo, kêu gọi sử dụng dịch vụ tài chính, cho vay cá nhân.
Các tài khoản này dùng rất nhiều thủ đoạn lôi kéo người vay như sử dụng danh tính, uy tín của cá nhân lãnh đạo và hình ảnh ngân hàng SHB, SHB FC, cam kết hỗ trợ nợ xấu, giải ngân chỉ trong 1h đồng hồ, thủ tục đơn giản, không thẩm định, lãi suất ưu đãi, hạn mức lên đến 200 triệu đồng…
Ngay sau khi phát hiện ra vụ việc, đại diện SHB đã liên hệ và yêu cầu các tài khoản mạng xã hội có hành vi mạo danh lãnh đạo SHB gỡ ngay tài khoản giả mạo và các hình ảnh liên quan tới ngân hàng SHB, SHB FC, ông Nguyễn Văn Lê và ông Đỗ Quang Vinh.
Đại diện ngân hàng cho biết đã có đơn tố giác và làm việc với cơ quan chức năng để tố cáo hành vi sử dụng trái phép hình ảnh lãnh đạo và ngân hàng SHB, SHB FC trên mạng xã hội; đề nghị xem xét dấu hiệu vi phạm hình sự của các hành vi này và có biện pháp can thiệp với các đối tượng liên quan một cách sớm nhất.
SHB cũng sẽ làm việc với đại diện Zalo và Facebook tại Việt Nam để tố cáo hành vi vi phạm và yêu cầu các mạng xã hội này hỗ trợ ngăn chặn các tài khoản mạo danh lãnh đạo SHB.
|
SHB cảnh báo khách hàng |
Gửi tin nhắn kèm đường link giả mạo ngân hàng
Còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, lợi dụng nhu cầu giao dịch, thanh toán qua ngân hàng điện tử và các ứng dụng của người dân tăng cao do đang trong thời gian giãn cách để phòng chống dịch Covid - 19, tội phạm đã tung hàng loạt chiêu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Đơn cử như tội phạm gửi thông tin giả mạo tin nhắn của SCB để lừa đảo khách hàng bấm vào đường link trong tin nhắn, yêu cầu đăng nhập vào trang web để thực hiện các giao dịch chuyển đến thẻ và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Kẻ lừa đảo thường giả mạo đường link chỉ sai khác một vài ký tự hoặc chi tiết so với đường link thật nên rất dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng.
|
Những hình ảnh của các tin nhắn giả mạo SCB mới phát hiện trong thời gian gần đây |
Tương tự, Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) cũng vừa có cảnh báo đến khách hàng về tin nhắn SMS giả mạo lừa đảo.
Theo đó, ACB khuyến nghị khách hàng không bấm vào link trang web giả mạo, không nhập user, mật khẩu và OTP SMS/ OTP SAFE KEY vào các websile lạ.
Bởi ACB không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, username và mật khẩu qua các kênh SMS/Email/điện thoại/website. Do đó, khách hàng cần đề cao cảnh giác và chỉ giao dịch qua các kênh chính thức.
|
ACB cảnh báo khách hàng |