Mỗi tuần một doanh nghiệp: Tăng trưởng kép lợi nhuận ròng 2020-2022 của Vietcombank đạt 25%

Trong báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB), VNDirect dự báo tăng trưởng kép LN ròng 2020-2022 đạt 25%. 

Kỳ vọng LN ròng Q4/20 tăng 35% nhờ phục hồi NIM

Tính đến cuối 9T20, tổng các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 01 của NHNN tại VCB đạt xấp xỉ 10.400 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong số các ngân hàng đã niêm yết về tổng giá trị, và tương đương 1,3% tổng dư nợ của ngân hàng.

Cùng với gói kích thích quy mô 300 nghìn tỷ đồng hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ Covid-19, lợi suất tài sản 9T20 giảm xuống 5,9% từ mức 6,2% svck. Tuy nhiên, VNDirect kỳ vọng tỷ suất tài sản của VCB sẽ tăng trở lại do gói hỗ trợ tín dụng của ngân hàng đã hết hạn vào cuối Q3/20.

Gói kích thích của VCB nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến NIM giảm từ 3,1% năm 2019 xuống 2,9% trong 9T20. Tuy nhiên, VNDirect kỳ vọng đại dịch sẽ dần ổn định sau khi vắc-xin được ra mắt, giúp các hoạt động sản xuất và kinh doanh phục hồi. Từ đó, VCB sẽ có thể thu lại các khoản lãi vay từ nợ tái cơ cấu và củng cố lợi suất tài sản của ngân hàng trong năm 2021.

Bên cạnh đó, do cạnh tranh về CASA ngày càng khốc liệt và lãi suất có khả năng chạm đáy, VNDirect dự phóng chi phí vốn sẽ duy trì ở mức 3,1% trong giai đoạn 2020-22. Do đó, VNDirect dự phóng tỷ lệ NIM của VCB sẽ tăng dần lên 3,3% trong năm 2022 từ mức 2,9% năm 2020.

Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng của VCB chỉ tăng 6,5% trong 9T20, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 do NHNN giới hạn. Do đó, VNDirect tin rằng ngân hàng vẫn còn dư địa mở rộng tín dụng trong Q4/20 và 2021-22.

Chất lượng tài sản của VCB duy trì vị trí dẫn đầu với tỷ lệ nợ xấu đạt 1,0% cuối Q3/20. Bên cạnh đó, tỷ lệ dự phòng nợ xấu tăng mạnh từ 185% cuối 9T20 lên 215% cuối 9T20, mức cao nhất trong ngành ngân hàng mặc dù tỷ lệ xoá nợ tăng nhẹ từ 0,12% tại cuối Q3/19 lên 0,18% cuối Q3/20.

Moi tuan mot doanh nghiep: Tang truong kep loi nhuan rong 2020-2022 cua Vietcombank dat 25%
 

Dự phóng tăng trưởng kép EPS giai đoạn 2020-22 ở mức 25%

Trong các năm sắp tới, VCB sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án CNTT mới hoặc đang triển khai, chẳng hạn như cải tiến ứng dụng điện tử và phát triển thẻ kỹ thuật số. Do đó, VNDirect dự phóng CIR tăng nhẹ từ 35% mức hiện tại lên 36% trong giai đoạn 2020-22 do đầu tư vào CNTT.

VNDirect dự báo tăng trưởng kép LN ròng 2020-22 đạt 25% nhờ tăng trưởng kép thu nhập từ lãi đạt 18,6% khi tăng trưởng kép tổng dư nợ đạt 14,5% và NIM tăng 37 điểm cơ bản trong giai đoạn này.

Đồng thời dự báo tăng trưởng kép thu nhập ngoài lãi giai đoạn 2020-22 đạt 45%, bao gồm tăng trưởng kép thu nhập phí đạt 57% nhờ dịch vụ thanh toán và nguồn thu nhập mới từ bancassuarance.

VNDirect kỳ vọng tình hình đại dịch sẽ ổn định trong 2021, từ đó thúc đẩy hoạt động tài chính thương mại cũng như thu nhập phí của ngân hàng. Về HĐKD, dự phóng tỷ lệ nợ xấu sẽ lần lượt tăng nhẹ 1% và 1,15% trong 2020/2021 do ngân hàng tăng tỷ trọng cho vay vào mảng bán lẻ đồng thời duy trì chất lượng tài sản và tỷ lệ bao nợ xấu cao (170 – 210%).

Ở mức thị giá hiện tại, VCB đang giao dịch ở P/BV 2021 3,0 lần, cao hơn 76% so với P/BV trung bình của các ngân hàng khác trong 2021. VNDirect tăng P/BV mục tiêu từ 2,8 lần lên 3,3 lần, tương đương với P/BV bình quân 5 năm gần đây của VCB tính theo giá trị sổ sách trên cổ phiếu năm 2021 do tin rằng việc các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn tới ngân hàng đầu ngành như VCB sẽ mở ra triển vọng tăng giá cho cổ phiếu.
VCB hiện đang giao dịch ở mức dưới 2 lần độ lệch chuẩn so với P/BV trung bình 5 năm. Ngân hàng vẫn luôn giao dịch ở mức định giá cao hơn so với các ngân hàng khu vực khác từ khi niêm yết nhờ vị thế dẫn đầu và hiệu quả tài chính cao cùng tỷ lệ free float hạn chế.
VNDirect cũng giảm COE từ 13% xuống 12% nhằm phản ánh việc lợi suất trái phiếu chính phủ giảm. Từ đó, VNDirect tăng giá mục tiêu lên 97.700đ/cp (trước đó 89.200đ/cp), vẫn dựa trên tỷ trọng tương đương của phương pháp định giá thặng dư thu nhập (COE: 12%; LTG: 4%) và P/BV năm 2021 đạt 3,3 lần. 

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN