Báo cáo thị trường tiền tệ vừa công bố ngày 22/2 của Chứng khoán MBS ghi nhận, năm 2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với khoảng 446 nghìn tỷ đồng TPDN được huy động qua kênh riêng lẻ, công chúng và quốc tế, tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2019. Kỳ hạn bình quân là 4,27 năm, lãi suất bình quân là 9,3%/năm.
Nhóm bất động sản chiếm 42% lượng trái phiếu phát hành, đạt 184,6 nghìn tỷ đồng, tiếp sau đó là nhóm ngân hàng với 134,6 nghìn tỷ đồng huy động được, tỷ lệ 31%.
Năm 2020 ghi nhận 11 doanh nghiệp phát hành trên 10.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là hoạt động của các nhà băng như BIDV, VIB, TPBank, LienVietPostBank, VietinBank và VPBank; chỉ có 4 doanh nghiệp lọt vào top này gồm Masan, Vinhomes và Saigon Glory.
Nổi bật nhất là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 21.124 tỷ đồng cho lãi suất 6,7-8%/năm. BIDV cũng đưa ra kỳ hạn trái phiếu trung bình khá cao tới 8,5 năm.
Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cùng ghi nhận giá trị phát hành trái phiếu ở mức quanh 15.500 tỷ đồng trong năm qua. Tuy nhiên, lãi suất đưa ra của hai đơn vị này chênh lệch nhau khá lớn khi Masan trong mức 9,3-10%/năm còn VIB chỉ 5,1-6,3%/năm.
Đối với Vinhomes (HoSE: VHM), với 12.000 tỷ giá trị trái phiếu phát hành trong năm qua thì lãi suất trong mức 9-10%/năm, thấp hơn so với Công ty TNHH Saigon Glory (10.000 tỷ) với 11%/năm. Các nhà băng còn lại ghi nhận lại suất trái phiếu không chênh lệch nhiều khi cùng nằm trong khoảng 5,7-9,5%/năm.
Được biết, cái tên mới nổi Saigon Glory là chủ đầu tư Khu tứ giác Bến Thành (Dự án Khu văn phòng - thương mại - dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn, tên gọi thương mại là The Spirit of Saigon).
Về kết quả kinh doanh, trong hai năm 2018 và 2019, Saigon Glory lần lượt lỗ sau thuế 3 tỷ đồng và gần 134 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2019, với hệ số nợ trên chủ sở hữu là 3, tương ứng nợ phải trả của đơn vị này gần 20.590 tỷ đồng.