Theo báo cáo phân tích Tổng Công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS), Chứng khoán SSI kỳ vọng nhu cầu phục hồi trong năm 2021.
SSI lưu ý rằng GAS đang bước vào chu kỳ đầu tư mới, với 3,9 tỷ USD vốn cần có cho 4 dự án lớn (Nam Côn Sơn – Giai đoạn 2, LNG Thị Vải – Giai đoạn 1 và 2, Block B và LNG Sơn Mỹ).
Tuy nhiên, SSI tin rằng, GAS đã chuẩn bị tốt nguồn lực cho các đại dự án này nhờ bảng cân đối kế toán mạnh với số dư tiền mặt ròng gần 1 tỷ USD vào cuối năm 2020.
Lợi nhuận ròng của GAS sẽ tăng lên 10,05 nghìn tỷ đồng năm 2021
Theo SSI, giá dầu Brent tăng lên ngưỡng 63 USD/thùng trong những ngày gần đây, đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Theo EIA, sự phục hồi mạnh mẽ này là do nhu cầu dần phục hồi từ mức đáy 84,97 triệu thùng/ngày trong năm 2020 lên 95,9 triệu thùng/ngày trong Q1/2021.
SSI tin rằng giá tăng là do OPEC+ cắt giảm 7,2 triệu thùng/ngày, Ả Rập Xê Út tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày, và việc giảm nguồn cung dầu đá phiến không chủ động ở Mỹ.
SSI giả định trong kịch bản cơ sở giá dầu Brent ở mức 55 USD/thùng trong năm 2021 (+26% so với cùng kỳ) khi vẫn sẽ có rủi ro giảm đối với giá dầu trong năm 2021 khi nguồn cung tăng (do nới lỏng cam kết cắt giảm nguồn cung).
Trong khi đó, kế hoạch năm 2021, GAS dự kiến đạt 70,1 nghìn tỷ đồng doanh thu (-7,7% so với cùng kỳ) và 7 nghìn tỷ đồng lợi nhuận ròng (-11,3% so với cùng kỳ). Sản lượng khí khô kế hoạch đạt 9,5 tỷ m3 (+5,6% so với cùng kỳ), ở mức hợp lý trong khi kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của GAS khá thận trọng.
Về tình hình đầu tư dự án, bất chấp dịch Covid-19, ban lãnh đạo giữ đúng tiến độ của dự án Sao Vàng-Đại Nguyệt. Dòng khí đầu tiên được khai thác từ mỏ Sao Vàng vào tháng 11, với sản lượng lên tới 117 triệu m3 trong tháng 11 và tháng 12.
Bên cạnh LNG Thị Vải (dự kiến bắt đầu hoạt động từ Q2/2022), GAS cũng đang tích cực lên kế hoạch và chuẩn bị cho các dự án khác như LNG Sơn Mỹ (3,6 triệu tấn), LNG Long An (2,1- 2,6 triệu tấn) và LNG Hải Phòng (1-3 triệu tấn).
Trong khi đó, SSI tin rằng, năm 2021 sản lượng khí khô sẽ tăng lên 9,6 tỷ m3 (+7,1% so với cùng kỳ) do nhu cầu của các nhà máy điện phục hồi.
SSI cũng nâng giả định giá dầu nhiên liệu tăng từ 260 USD/tấn lên 300 USD/tấn dựa trên diễn biễn tích cực của giá dầu từ đầu năm đến nay.
Từ những yếu tố này, SSI nâng ước tính doanh thu thêm 2% lên 75,2 nghìn tỷ đồng (+22% so với cùng kỳ) và tăng 10% ước tính lợi nhuận ròng lên 10,05 nghìn tỷ đồng (+24,9% so với cùng kỳ).
Với việc định giá lại thị trường chung gần đây do thanh khoản dồi dào nhờ môi trường lãi suất thấp, SSI nâng hệ số P/E mục tiêu đối với GAS từ 17x lên 19x, và EV/EBITDA mục tiêu từ 10x lên 11x.
Vì sao lợi nhuận 2020 sụt giảm?
Kết quả kinh doanh năm 2020 của GAS ghi nhận doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt đạt 65,2 nghìn tỷ đồng (-14,8% so với cùng kỳ) và 7,9 nghìn tỷ đồng (-38,3% so với cùng kỳ). Công ty mẹ đạt 8,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận ròng (-32,3% so với cùng kỳ).
Doanh thu và lợi nhuận sụt giảm do sản lượng khí khô giảm (-11% so với cùng kỳ) và giá dầu giảm (giá dầu nhiên liệu giảm -42%, giá dầu Brent giảm -37%, và giá LPG giảm -15% so với cùng kỳ).
Năm 2020, sản lượng khí khô đạt 8,9 tỷ m3, giảm -11% so với cùng kỳ. Sản lượng khí từ bể Nam Côn Sơn giảm -17% so với cùng kỳ, chủ yếu do sự cố xảy ra tại Block 11.2 từ tháng 3 đến tháng 8/2020, và sản lượng từ Block 6.1 giảm.
Trong khi đó, mức tiêu thụ điện yếu do dịch Covid-19 (tiêu thụ điện tăng 2% so với cùng kỳ trong năm 2020 so với 9% YoY trong năm 2019) và tỷ lệ huy động thấp hơn từ nhà máy điện khí khiến lượng khí khô được bán cho các nhà máy điện giảm trong năm 2020 (-14,5% so với cùng kỳ).
Đáng chú ý, dòng khí đầu tiên được khải thác từ mỏ Sao Vàng vào giữa tháng 11/2020, với sản lượng đạt 117 triệu m3 (sản lượng cả năm ước tính đạt 800-1.000 triệu m3).
Sản lượng LPG tăng lên 1,9 triệu tấn trong năm 2020, tăng 8% so với cùng kỳ do sản lượng thương mại tăng (xuất nhập khẩu/giao dịch quốc tế). Trong khi đó, sản lượng sản xuất trong nước đạt 371 nghìn tấn (đi ngang so với cùng kỳ).