Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát hành 32.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) vào tháng 12, giảm 24% so với tháng trước, nâng khối lượng TPCP phát hành quý 4 lên 99.900 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 100% mục tiêu phát hành trong quý 4. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2022, KBNN đã phát hành 214.700 tỷ đồng TPCP, chỉ hoàn thành 53,7% kế hoạch (400.000 tỷ đồng).
Lợi suất TPCP tháng 12 giảm trong bối cảnh thanh khoản hệ thống được cải thiện, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 10 năm trên thị trường thứ cấp giảm lần lượt còn 4,70% (-11 điểm cơ bản MoM) và 4,80% (-12 điểm cơ bản MoM) tính đến ngày 31/12.
So với cuối năm 2021, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam tăng 2,6 điểm % do 1) lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng sau các đợt tăng lãi suất của Fed, 2) NHNN tăng lãi suất (200 điểm cơ bản) và 3) thanh khoản hệ thống thu hẹp hơn do nhu cầu tín dụng tăng, NHNN đã hút tiền để giảm áp lực đối với VND và do một số vấn đề thanh khoản tại các ngân hàng trong nước.
|
Lượng trái phiếu chính phủ cả năm 2022 không đạt mục tiêu. |
VCSC cho rằng lợi suất TPCP có thể duy trì ở mức cao trong năm 2023 do:
(1) Áp lực phát hành cao hơn từ KBNN do kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh chi tiêu tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2023,
(2) Nhu cầu tái đầu tư không nhiều với khoảng 60.000 tỷ đồng TPCP đáo hạn vào năm 2023,
(3) môi trường lãi suất có thể vẫn ở mức cao do Fed kỳ vọng lãi suất mục tiêu sẽ mức 5,0% - 5,25%, tương đương với mức tăng 75 điểm cơ bản trong năm 2023. NHNN hút ròng thông qua tín phiếu trong bối cảnh thanh khoản có phần cải thiện hơn.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm trong tháng 12, với lãi suất bình quân các kỳ hạn qua đêm (ON) và 1 tuần (1W) lần lượt ở mức 4,43% và 5,48%, so với 5,00% và 5,67% trong tháng 11. NHNN tiếp tục tích cực sử dụng nghiệp vụ repo và tín phiếu để cân đối thanh khoản hệ thống ngân hàng. Trong tháng 12, NHNN đã rút ròng 92,5 nghìn tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Nhu cầu VND tăng gần thời điểm Tết có thể gây áp lực lên lãi suất VND liên ngân hàng. Do đó, lãi suất VND liên ngân hàng có thể duy trì ở mức cao sát Tết và có thể hạ nhiệt sau kỳ nghỉ Tết. Tỷ giá USD/VND tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 12.
Trong tháng 12, tỷ giá USD/VND đã giảm 4,7% so với tháng trước, xuống còn 23.600 đồng vào cuối năm 2022 (tỷ giá USD/VND giảm 3,4% trong năm 2022) do (1) đồng USD tiếp tục giảm giá trên thị trường quốc tế (-2,5% trong tháng 12), (2) tâm lý cải thiện trên thị trường ngoại hối trong nước khi lạm phát Mỹ hạ nhiệt, và (3) nguồn cung ngoại hối từ FDI, FII, xuất siêu tích cực và kiều hối gia tăng trước Tết.
VCSC kỳ vọng tỷ giá USD/VND duy trì ổn định trong năm 2023 và 2024 khi chu kỳ tăng lãi suất của Fed đang gần đạt đỉnh. Bên cạnh đó, theo dự báo đồng thuận của Bloomberg, đồng USD có thể yếu hơn vào năm 2023 và 2024.
Ngoài ra, VCSC kỳ vọng nguồn cung USD ổn định từ giải ngân FDI, kiều hối, thặng dư thương mại hàng hóa, và thâm hụt thương mại dịch vụ dần thu hẹp (nhờ khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam) sẽ hỗ trợ NHNN trong việc điều hành tỷ giá USD/VND.