Lỗ lũy kế hơn 2.600 tỷ và nợ vay đầm đìa, DLG muốn bán Mass Noble

CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) vừa quyết định thoái toàn bộ vốn tại công ty con sản xuất linh kiện điện tử nhằm cấu trúc lại khoản đầu tư.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai vừa thông báo muốn thoái toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited (Mass Noble).
DLG cho biết đã đầu tư hơn 249 tỷ đồng, tương đương 97,73% vốn điều lệ của Mass Noble. Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất thủ tục thoái vốn, Mass Noble không còn là công ty con của DLG. 
HĐQT DLG ủy quyền cho Tổng Giám đốc tìm kiếm, ký kết hợp đồng thuê công ty thẩm định giá nhằm định giá lại giá trị Công ty Mass Noble cho phù hợp với thị trường hiện nay.
Đồng thời, tìm kiếm đối tác phù hợp để chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Công ty tại công ty con này, với điều kiện giá chuyển nhượng không được thấp hơn mệnh giá và giá trị sở hữu của DLG tại Mass Noble.
DLG đầu tư vào Mass Noble thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu hồi tháng 5/2015. Khi đó, DLG phát hành gần 20 triệu cổ phiếu cho các cổ đông của Mass Noble với giá hoán đổi 12.500 đồng/cp, giá trị 249 tỷ đồng. Tỷ lệ hoán đổi là 1:1.4 (tức 1 cổ phiếu DLG đổi 1,4 cổ phiếu Mass Noble). Sau giao dịch này, DLG nắm quyền điều hành Mass Noble với tỷ lệ sở hữu 97,73% như hiện nay.
Mass Noble là công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử Ansen của Mỹ, nhà máy đặt tại TP. Đông Quảng (Trung Quốc). Theo DLG, đây là nhà máy sản xuất quy mô lớn được xây dựng trên khuôn viên 40.000m2, tập trung sản xuất, gia công sản phẩm điện tử viễn thông công nghệ cao như các loại đèn led cao cấp dùng cho nội thất, xe ô tô, đường phố và đường cao tốc; màn hình LCD… Thị trường tiêu thụ tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Về tình hình kinh doanh của Mass Noble, năm 2022 công ty đạt doanh thu gần 822 tỷ đồng nhưng lỗ nặng 113 tỷ đồng. Sang năm 2023, doanh thu của Mass Noble suy giảm xuống còn 573 tỷ đồng và mức lỗ cũng về còn gần 79 tỷ đồng.  
Lo luy ke hon 2.600 ty va no vay dam dia, DLG muon ban Mass Noble
 
Về Đức Long Gia Lai, năm 2022 và 2023 công ty lỗ nặng lần lượt là 1.219 tỷ đồng và 594 tỷ đồng. Do đó DLG đang gánh lỗ luỹ kế lên tới 2.636 tỷ đồng. 
Nếu không thể có lãi trong năm 2024, DLG sẽ đối mặt án hủy niêm yết trong năm sau. Do đó, DLG đặt kế hoạch 2024 với 1.400 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 25% so với năm trước) và 120 tỷ đồng lãi sau thuế.  
Cho năm 2025, DLG đặt mục tiêu doanh thu 1.550 tỷ đồng và lãi sau thuế 170 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 11% và gần 42% so với kế hoạch năm 2024. Còn năm 2026, kế hoạch thu về 1.700 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 250 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý 1/2024, DLG đang ghi nhận nợ phải trả tới 4.455 tỷ đồng, chiếm tới 88% tổng nguồn vốn. Trong đó vay nợ ngắn và dài hạn vẫn chiếm mức cao lần lượt là 1.073 tỷ và 1.649 tỷ đồng.
DLG cho biết sẽ tiếp tục tái cấu trúc tài chính, mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản ổn định về sản xuất kinh doanh và lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, trả dứt điểm các khoản nợ vay từ các tổ chức tín dụng trên 1.000 tỷ đồng, đồng thời có nguồn tiền tích lũy để phát triển dự án mới.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN