Làm thế nào để tăng ‘hàng mới, hàng khủng’ cho thị trường chứng khoán?

Việc gia tăng hàng hóa cho thị trường chứng khoán chững lại trong các năm qua. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đang rà soát quy định để rút ngắn cũng như làm thông thoáng hơn quy trình đưa cổ phiếu lên sàn sau IPO.

Lam the nao de tang ‘hang moi, hang khung’ cho thi truong chung khoan?

Thị trường chứng khoán không có nhiều bigcap mới xuất hiện trong các năm gần đây. Ảnh: Trọng Hiếu

Bên cạnh việc minh bạch, ổn định hệ thống giao dịch, tăng sản phẩm thì gia tăng hàng hóa cũng là giải pháp để thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển bền vững, thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia.

Tuy nhiên, việc gia tăng hàng hóa cho thị trường chứng khoán đang bị chững lại trong các năm qua. Tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) – nơi chiếm hơn 80% giá trị giao dịch toàn thị trường giảm mạnh số lượng đơn vị niêm yết mới. Không chỉ vậy, các tân binh của HoSE cũng đa phần là chứng chỉ quỹ, doanh nghiệp chuyển sàn từ UPCoM lên.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Chứng khoán VPBankS chia sẻ trong thời gian gần đây thị trường không có nhiều bigcap (doanh nghiệp vốn hóa lớn) mới xuất phát từ tư nhân như nhóm Vingroup, MWG, REE... Nhiều tập đoàn tiêu dùng, xây dựng, bất động sản lớn vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn. Cơ quan quản lý cần tạo động lực cho các tập đoàn tư nhân lớn này niêm yết, gia tăng quy mô giúp đa dạng hàng hóa trên TTCK.

Đồng thời, hoạt động thoái vốn, đấu giá "ảm đạm", thị trường cũng vắng bóng hẳn những "hàng khủng" giống như Tập đoàn Cao su Việt Nam (mã: GVR), Becamex (mã: BCM), Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR)… làm nóng giai đoạn 2018 - 2019.

Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc phân tích cổ phiếu, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán SSI cho biết thường xuyên gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài để xúc tiến cơ hội đầu tư và nhận thấy dòng tiền tiềm năng đổ vào TTCK Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, do có những hạn chế như không có hàng hoá mới, quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài (nhiều cổ phiếu kín room) nên dòng vốn đổ vào Việt Nam chưa nhiều.

Bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển TTCK – Ủ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chia sẻ mục tiêu phát triển của TTCK là trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn. Doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán cũng là cơ hội tăng danh tiếng, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong huy động vốn và đưa cổ phiếu lên sàn, UBCKNN đang rà NNsoát Nghị định 155, trong đó rà soát các quy định hoạt động chào bán phát hành, niêm yết đăng ký giao dịch.

Trong quá trình rà soát, UBCKNN nhận thấy hoạt động IPO gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch có vướng mắc khiến thời gian kéo dài. Cơ quan quản lý cùng các sở xây dựng quy chế phối hợp để làm sao sau khi doanh nghiệp IPO thì việc niêm yết hay đăng ký giao dịch cổ phiếu được quy về một mối xem xét để thuận lợi, rút ngắn thời gian.  

Mặt khác, trong quá trình duyệt hồ sơ, UBCKNN nhận thấy doanh nghiệp và đơn vị tư vấn có những hiểu chưa trùng khớp nhau về quy định pháp lý. Trong tháng 3, ủy ban dự kiến tổ chức hội nghị ở cả 2 miền Nam và Bắc để mời doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn trong 2023-2024 và đơn vị tư vấn chia sẻ quy định, trao đổi vướng mắc.

Thời điểm thuận lợi để đưa cổ phiếu lên sàn

Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn có nhiều động lực tăng trưởng như môi trường lãi suất thấp, lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi, câu chuyện nâng hạng thị trường, hệ thống KRX đi vào vận hành… Đây là động lực cho doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán cũng như hoạt động thoái vốn nhà nước.

Ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư Chứng khoán DNSE cho biết công ty đã IPO thành công 100% online và cam kết niêm yết ngay trong năm 2024. Ban lãnh đạo nhận thấy năm nay là năm thuận lợi cho hoạt động IPO, niêm yết khi có sự đồng thuận từ Chính phủ, thúc đẩy nâng hạng và tiền rẻ.

"Nhu cầu đầu tư của người dân, quy mô thị trường vốn, thị trường chứng khoán đang còn nhiều dư địa để phát triển. Niêm yết thời điểm hiện nay giúp công ty tăng quy mô hoạt động cũng như quy mô thị phần", ông Hòa chia sẻ.

Ngoài DNSE, mới đây, HoSE thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết gần 205 triệu cổ phiếu của Chứng khoán DSC (chuyển giao dịch từ UPCoM lên).

Từ tháng cuối năm 2023, hoạt động niêm yết HoSE đã có sự sôi động trở lại khi hàng loạt doanh nghiệp được chấp thuận như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel, Thủy điện Hủa Na, Cảng Quy Nhơn…. UPCoM cũng đón các tân binh như: BCG Land, Taseco Land, Thiết bị điện miền Bắc, Cấp nước Kontum….

Theo Mỹ Hà/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN