Lợi nhuận 6 tháng đều tăng trưởng, song quý 2 Vietcombank và VietinBank suy giảm
Vietcombank là nhà băng đứng đầu về lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng 2021 với 10.858 tỷ đồng, dù tốc độ tăng không bằng VietinBank và BIDV khi chỉ là 24%.
Dù các chỉ tiêu trong 6 tháng qua của Vietcombank đều tăng trưởng tốt, tuy nhiên kết quả này do ảnh hưởng sự suy giảm của quý 2 khi chỉ lãi 3.955 tỷ, giảm 14% so cùng kỳ.
Vietcombank cho biết thu nhập từ lãi tiền gửi và lãi từ chứng khoán đầu tư giảm chủ yếu do lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm do tình trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào trong khi tình hình dịch Covid-19 trở lại căng thẳng và ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Đồng thời, trong thời gian qua một số khoản trái phiếu TCTD của Vietcombank đáo hạn nhưng chưa được đầu tư thay thế hoặc được đầu tư thay thế bằng trái phiếu có mức lãi suất thấp hơn.
Thêm nữa, kỳ này Vietcombank tăng đến 74% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng khi trích lập hơn 3,225 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của VietinBank tăng khá 45% so cùng kỳ khi đạt gần 8.668 tỷ đồng dù quý 2 suy giảm mạnh 38%. Tương tự Vietcombank, ViettinBank cũng ghi nhận lợi nhuận quý 2 lao dốc do ảnh hưởng của khoản mục chi phí dự phòng rủi ro tín dụng khi tăng vọt gấp 3,2 lần lên tới 7.106 tỷ đồng.
Với BIDV, mặc dù lợi nhuận đứng ở mức thấp nhất trong 3 nhà băng với 6.357 tỷ đồng nhưng lại đứng đầu về tốc độ tăng trưởng khi lên tới 87%.
Con số dự phòng của BIDV kỳ này cũng ở mức cao tới 15.423 tỷ đồng nhưng so với cùng kỳ chỉ tăng 49%. Dù khoản mục mua bán chứng khoán đầu tư lỗ nặng tới 493 tỷ đồng nhưng BIDV lại có khoản mục lãi từ hoạt động khác bù đắp khi gấp hơn 2 lần lên 3.965 tỷ đồng.
Ngoài ra, khác với Vietcombank và VietinBank, BIDV là nhà băng ghi nhận tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận tới 87% trong quý 2.
Dư nợ cho vay và tiền gửi khách hàng: BIDV và VietinBank tăng trưởng đều, Vietcombank khập khiễng
BIDV vẫn là nhà băng có dư nợ cho vay khách hàng cao nhất hệ thống với hơn 1,29 triệu tỷ đồng tại ngày 30/6/2021, tăng 7% so đầu kỳ. Tiếp theo là VietinBank khi đạt 1,07 triệu tỷ đồng, tăng 6%. Vietcombank mặc dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất với 10% nhưng xét về quy mô lại chỉ đạt gần 921,9 ngàn tỷ đồng.
Về tiền gửi khách hàng, tốc độ tăng của BIDV và VietinBank bằng nhau với 5% song giá trị của BIDV lại cao hơn hẳn với 1,29 triệu tỷ đồng, còn VietinBank 1,03 triệu tỷ đồng là mức thấp nhất trong 3 nhà băng. Vietcombank ghi nhận 1,05 triệu tỷ đồng cho mức tăng 2%.
Nợ xấu BIDV giảm trong khi VietinBank và Vietcombank đi lên
Kỳ này, chỉ mỗi BIDV ghi nhận nợ xấu suy giảm 1% so với đầu năm, còn 21,140 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1.76% xuống còn 1.63%.
Trong khi đó, VietinBank gây bất ngờ khi nợ xấu tăng vọt tới 52% lên tới 14.477 tỷ đồng khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0.94% lên 1.34%. Điều đáng quan ngại nhất trong khối nợ xấu của VietinBank là nợ có khả năng mất vốn vọt lên hơn gấp đôi với 12.294 tỷ đồng, 2 nhóm nợ còn lại suy giảm.
Còn Vietcombank, tổng nợ xấu tại ngày 30/6/2021 tăng 31% so với đầu năm, chiếm gần 6,865 tỷ đồng. Tất cả các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh, tăng cao nhất là nợ nghi ngờ (gấp 3.4 lần). Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0.62% lên 0.74%.
Vốn điều lệ VietinBank vươn lên dẫn đầu
Vốn điều lệ của 3 ngân hàng đều không thay đổi trong 6 tháng 2021. BIDV vẫn là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất với 40.220 tỷ đồng, theo sau lần lượt là VietinBank 37.234 tỷ và Vietcombank 37.088 tỷ.
Tuy nhiên, nếu xét đến tháng 7 thì đã có sự khác biệt khi VietinBank đã phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức và tăng vốn lên 48.057 tỷ đồng. Như vậy, VietinBank đã vươn lên vị trí đầu bảng về vốn điều lệ.