Từ đầu năm đến nay, Eximbank đã phải trì hoãn đại hội cổ đông tới 3 lần. Lần gần nhất trong tháng 8 với lý do trì hoãn là phòng chống dịch Covid-19.
Trước đó vào ngày 30/6 và 29/7, ĐHĐCĐ thường niên lần 1 và 2 của Eximbank được tổ chức ở TPHCM đã không thể thực hiện được do không đủ tỷ lệ tham dự theo quy định.
Ngoài cuộc họp cổ đông thường niên, ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 cũng kéo dài đến năm nay vẫn chưa thể tổ chức thành công.
Trước ngày tổ chức đại hội cổ đông thường niên lần 2 ngày 27/7, ông Hoàng Đôn Hùng, người đại diện theo uỷ quyền của một cổ đông Eximbank có đơn tố cáo nhà băng này gửi Thống đốc NHNN và Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 và công bố thông tin.
Còn cổ đông lớn là Sumitomo Mitsui Banking Corporation yêu cầu Eximbank triệu tập Đại hội bất thường đặt vấn đề thanh lọc Hội đồng quản trị, giảm bớt số lượng thành viên...
Rõ ràng, cuộc nội chiến tại Eximbank đã kéo dài trong 2 năm qua khiến không ít cổ đông bức xúc khi mà đại hội cổ đông hoãn lên hoãn xuống, lãnh đạo liên tục "thay máu" khiến hoạt động kinh doanh của nhà băng này cũng trở nên bất ổn.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 3.222 tỷ đồng, tương đương với mức cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm 172 tỷ đồng (tương đương giảm 8,5%) xuống 1.852 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng lại tăng 167 tỷ (tương đương tăng gấp 2,7 lần) lên 267 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Eximbank ngang với cùng kỳ, ở mức 1.103 tỷ đồng.
Tổng tài sản tại ngày 30/9 đạt 151.273 tỷ đồng, giảm 9,7% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng giảm 10,6% xuống 101.302 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng giảm 8,2% xuống 127.844 tỷ đồng.
Nợ xấu nội bảng của ngân hàng ở mức 2.491 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm. Trong khi đó dư nợ cho vay khách hàng lại giảm khiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Eximbank tăng từ 1,71% lên 2,46%.