Giá vốn chiếm 289 tỷ đồng nên lãi gộp về mức 67 tỷ đồng, giảm 32%. Dù vậy, tỷ suất lãi gộp biên lại tăng từ 17,8% lên 18,8%.
Hoạt động tài chính tiếp tục âm 14 tỷ đồng do gánh nặng chi phí lãi vay. Dù cắt giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp về lần lượt 29 tỷ và 17 tỷ nhưng lợi nhuận sau thuế của Hải Châu vẫn giảm gần 44% về mức hơn 5,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản của Hải Châu giảm 86 tỷ về mức 664 tỷ đồng. Vay nợ tài chính ngắn và dài hạn lần lượt chiếm 163 tỷ và 146 tỷ, giảm nhẹ so đầu kỳ.
Được biết, năm 2020, Hải Châu đặt mục tiêu doanh thu 838 tỷ và lợi nhuận trước thuế gần 15 tỷ đồng. Dù vậy tỷ lệ chia cổ tức giảm từ 12% của năm 2019 xuống còn 7-8%.
Tại đại hội đồng cổ đông hồi tháng 6 của Hải Châu, các cổ đông đã chất vấn nhiều vấn đề trọng yếu của công ty như tình hình vay nợ tài chính, sử dụng nguồn vốn sau phát hành, đặc biệt công ty không hoàn thành việc đưa cổ phiếu lên niêm yết khiến UBCKNN phạt tiền, hàng giả hàng nhái, chưa có kế hoạch triển khai dự án 15 Mạc Thị Bưởi, cổ tức thấp...
Với những vấn đề này, đại diện ban lãnh đạo Hải Châu cho biết, cổ tức giảm từ 10% xuống còn 6% năm 2020 là do ảnh hưởng của đại dịch nên công ty tăng cường nguồn lực dự phòng. Công ty cũng quyết định tạm dừng triển khai dự án nhà máy bánh kẹp Hải Châu III (Vĩnh Long) và điều chỉnh mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2024.
Còn vấn đề phát hành, năm 2019, Hải Châu đã phát hành hơn 2,22 triệu cổ phiếu bằng phương thức hoán đổi nợ, giá hoán đổi nợ 1 cổ phần bằng 18.000 đồng.
Về các khoản nợ phải thu và chi phí tài chính tăng năm 2019, do từ trước nay Hải Châu vẫn đang cho nhà phân phối trả chậm tiền hàng 30 ngày, tuy nhiên việc trả nợ đúng hạn rất hạn chế, do đó các khoản phải thu ngắn hạn đến 29/6/2020 là gần 24 tỷ đồng (giảm so cuối năm 2019 là 177 tỷ).
Đối với dự án 15 Mạc Thị Bưởi, năm 2018, công ty đã thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển nhà số 7 Hà Nội do dự án triển khai quá chậm và phương án đầu tư không hiệu quả. Mặt khác, công ty đã ký hợp đồng nguyên tắc hợp tác đầu tư với CTCP Tập đoàn Picenza. Thời gian qua, hai bên đã đề nghị các cơ quan liên quan tiến hành điều chỉnh quy hoạch dự án chung cư văn phòng 15 Mạc Thị Bưởi nhưng chưa được phê duyệt do chờ quy hoạch chung toàn khu vực.
Với dự án 622 Minh Khai, năm 2015 công ty đã uỷ quyền cho CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển nhà Hà Nội số 5 (Handico 5) làm chủ đầu tư triển khai dự án và phân chia lợi nhuận cho công ty, tương ứng tổng lợi nhuận dự án là gần 76 tỷ. Tuy nhiên, sau khi thuê Savills Việt Nam tư vấn, nếu xây văn phòng cho thuê trong thời điểm hiện nay sẽ bị lỗ nên công ty gia hạn thời gian thực hiện dự án.
Về việc niêm yết cổ phiếu, HĐQT đã thuê các chuyên gia để phân tích và đánh giá tình hình hoạt đầu đầu tư và kết quả kinh doanh, nên việc niêm yết thời gian này chưa hiệu quả và đang chọn thời điểm phù hợp để sớm lên sàn chứng khoán.