Cuối tháng 6 năm 2017, Sacombank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 và 2016 và bầu ra ban lãnh đạo nhà băng nhiệm kỳ 2017-2021, với ông Dương Công Minh là Chủ tịch HĐQT và bà Nguyễn Đức Thạch Diễm là quyền Tổng giám đốc, sau này được bổ nhiệm chính thức.
Ông Dương Công Minh lúc ấy đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam, một đơn vị chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án tầm cỡ. Ngoài ra, ông là nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.
Ông Minh là người có kinh nghiệm trong cả lĩnh vực bất động sản và tài chính ngân hàng khi là lãnh đạo LienVietPostBank trong nhiều năm, giúp nhà băng này từng bước vươn lên trở thành ngân hàng với chất lượng tài sản tốt.
Sau một khoảng thời gian hoạt động sa sút với những hệ quả nặng nề để lại từ thời Trầm Bê khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, Sacombank đã dần “lột xác” khi ông Minh ngồi ghế nóng.
|
Ông Dương Công Minh khi được bầu là Chủ tịch Sacombank. |
Quyết liệt xử lý nợ xấu
Năm 2016 là một năm buồn của Sacombank khi hoạt động kinh doanh sụt giảm thê thảm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ngân hàng chỉ đạt chưa đầy 89 tỷ đồng, chưa bằng 14% lợi nhuận của năm trước (648 tỷ đồng) trong khi nợ xấu nội bảng tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng, nợ xấu ở Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tăng thêm hơn 23.000 tỷ đồng.
Nhưng chỉ tới năm 2017, lợi nhuận sau thuế Sacombank tăng mạnh mẽ đạt gần 1.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 6,91% vào cuối năm 2016 về 4,67%.
Sau khi cầm quyền, ông Minh đã đặt mục tiêu xử lý nợ xấu lên hàng đầu với mục tiêu ngắn hạn là xử lý khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017. Theo ông, đề án tái cơ cấu xác định trong 10 năm nhưng có thể rút ngắn xuống còn từ 3 - 5 năm với sự đồng lòng của cổ đông, của khách hàng và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.
Thực tế cho thấy, trong khi 6 tháng đầu năm 2017 Sacombank mới chỉ xử lý được 845 tỷ đồng nợ xấu thì đến cuối năm con số này đã vọt lên hơn 19.000 tỷ đồng với hơn 15.000 tỷ đồng là thuộc Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và NHNN phê duyệt.
Hoạt động của Sacombank tiếp tục khởi sắc khi năm 2018, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 1.790 tỷ đồng, tăng 51%. Đây cũng là năm xử lý nợ xấu thành công của Sacombank với tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 4,67% xuống chỉ còn 2,13%.
Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank tiếp tục giảm từ 2,11% xuống còn 1,96% trong 9 tháng năm 2019.
Tại lễ kỷ niệm 28 năm thành lập Sacombank, ông Dương Công Minh cho biết, lợi nhuận ước tính cả 2019 đạt 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết với đại hội đồng cổ đông, và cao hơn gần 1.000 tỷ so với thực hiện trong năm 2018.
Tổng tài sản của ngân hàng đến cuối năm 2019 đạt 457 ngàn tỷ đồng, huy động vốn đạt 413 ngàn tỷ đồng, cho vay hơn 296 ngàn tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 1,75%.
|
Sacombank đã bớt nợ xấu khi về tay ông Dương Công Minh. |
Lãi dự thu còn lớn, dự phòng rủi ro tăng đều
Trong khi hoạt động kinh doanh và xử lý tài sản đảm bảo và nợ xấu của Sacombank có cải thiện thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này vẫn tăng đều. Tính riêng 9 tháng, con số này lên tới 1.683 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với mức 1.178 tỷ đồng của cùng kỳ 2018.
Bên cạnh tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng tăng đều thì mức lãi dự thu của Sacombank cũng nằm ở top đầu các ngân hàng. Lãi dự thu tăng theo tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng là điều bình thường, song tại một số ngân hàng nhưng tỷ lệ lãi dự thu quá lớn, hoặc tốc độ tăng quá mạnh sẽ là những cảnh báo cho các nhà đầu tư.
Lãi dự thu là khoản lãi mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm từ hoạt động cho vay), trong khi thực tế ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này nhưng vẫn ghi nhận vào báo cáo thu nhập, từ đó tạo ra lợi nhuận.
Lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai, mà chính là nợ xấu tiềm ẩn.
Tại thời điểm 30/9, tổng mức lãi dự thu của 27 ngân hàng công bố báo cáo tài chính là 116.870 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu kỳ. Chiếm lớn nhất trong danh sách này là Sacombank, BIDV và SHB.
Do là đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên lãi dự thu của Sacombank đứng đầu bảng với hơn 20.600 tỷ đồng. Tuy nhiên điều đáng ghi nhận là con số này của Sacombank đã giảm đáng kể gần 11% so với đầu kỳ.
Có lẽ chính nỗ lực chuyển hướng sức mạnh doanh thu sang dự phòng, cùng lãi dự phòng khá lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân. Vì thế, thị giá cổ phiếu STB của Sacombank trong suốt những đang nằm trong top cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết có thị giá thấp nhất.
Tính trong vòng 1 năm trở lại đây, cổ phiếu STB giảm gần 20% khi giao dịch tại vùng giá 10.150 đồng/cp (chốt phiên 27/12), trong năm 2019, cổ phiếu STB có vài đợt sóng nhưng không lớn, vẫn dao động xung quanh mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Tại buổi lễ kỷ niệm Sacombank mới đây, ông Minh tha thiết muốn ông Đặng Văn Thành trở lại và đồng hành để phát triển Sacombank.
Điều này bất ngờ bởi có lần ông Minh có lần muốn xóa dấu tích của “cha đẻ” nhà băng này là ông Đặng Văn Thành bằng cách đổi mã cổ phiếu STB của Sacombank đang niêm yết trên sàn HoSE thành mã SCM và chuyển sàn niêm yết sang HNX. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được cổ đông thông qua.
Sau cùng, nhìn lại gần 3 năm dẫn dắt Sacombank, ông Dương Công Minh đã có công lớn trong việc gầy dựng lại thương hiệu của nhà băng này. Có thể ông Minh đang có mục tiêu lớn hay tham vọng để nhà băng này tiến xa hơn khi muốn ông Thành quay lại cùng Sacombank?