Nộp lại 66 tỷ đồng, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son có thoát án tử hình?

Ngày 27/12, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son xác nhận, gia đình ông Son đã nộp hết 66 tỷ đồng hối lộ. Động thái này khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu ông Son có thoát án tử hình?

Ngày 27/12, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) xác nhận, gia đình ông Son đã nộp xong 66 tỷ đồng. Đây cũng là hành động khắc phục hậu quả hành vi nhận hối lộ kịp thời, trước khi TAND Hà Nội tiến hành tuyên án trong phiên xét xử sơ thẩm vào ngày 28/12.

Trước đó trong phần luận tội, đại diện VKSND xác định ông Son do động cơ tư lợi, bất chấp quy định của pháp luật, cựu Bộ trưởng đã định hướng, chỉ đạo quyết liệt dự án MobiFone mua cổ phần của AVG, gây thiệt hại cho nhà nước gần 6.600 tỷ đồng. Khi hợp đồng hoàn thành, ông Son nhận hối lộ 3 triệu USD (khoảng 66,5 tỷ đồng) từ bị cáo Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch AVG. 

Nop lai 66 ty dong, cuu Bo truong Nguyen Bac Son co thoat an tu hinh?
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Ảnh: TTXVN. 

Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên ông Son 16-18 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và mức án tử hình về tội nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt ông Son bị đề nghị mức án tử hình. 

Trước động thái khắc phục 66 tỷ đồng, nhiều luật sư cho rằng đây sẽ là tình tiết giảm nhẹ, có ảnh hưởng đến tội danh mà ông Son sẽ phải nhận. 

Trả lời báo Tuổi Trẻ, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, cho rằng nếu ông Son và gia đình khắc phục được ít nhất ¾ số tiền thì có thể không bị án tử.

"Ngay cả khi kết thúc sơ thẩm, đến giai đoạn phúc thẩm hoặc khi án có hiệu lực mà ông Son và gia đình khắc phục được thì vẫn có cơ hội được xem xét giảm án. Do vậy, nếu trước khi tuyên án hoặc đến phiên phúc thẩm ông Son khắc phục thì có cơ hội thoát án tử hình", luật sư Truyền phân tích. 

Luật sư Trương Anh Tú cũng cho rằng Bộ luật hình sự có quy định người nào nhận hối lộ từ 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 5 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ở đây, ông Son nhận hối lộ số tiền 3 triệu USD (tương đương trên 60 tỉ đồng) nên bị VKS đề nghị mức án tử hình phù hợp với quy định của pháp luật. 

"Tuy nhiên, pháp luật ngoài việc răn đe trừng trị còn có sự khoan hồng. Ông Son và gia đình còn nhiều cơ hội ở phía trước nếu khắc phục được hậu quả. Vì theo quy định, người nào có thể khắc phục được ¾ số tiền thì sẽ được xem xét, giảm nhẹ. 

Nếu ông Son và gia đình mà khắc phục được, trả lại số tiền tham nhũng thì đây là điều rất tốt, nhà nước không cần thiết phải xử lý mức án cao nhất với bị cáo", luật sư Tú nói.

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc bị cáo tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả hoặc tác động để người thân bồi thường, khắc phục hậu quả thay, mức bồi thường, khắc phục hậu quả đáng kể thì sẽ được xem xét áp dụng biết tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là: Tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả.

Tại điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về hình phạt tử hình nêu rõ, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Ngoài ra điều 40 Bộ luật hình sự cũng quy định: Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Hoàng Phúc

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN