Có nhiều lý do để doanh nghiệp xin hủy niêm yết, phổ biến có thể kể đến là doanh nghiệp muốn tập trung tái cấu trúc để cải thiện hiệu quả sản xuất - kinh doanh, hoặc giá trị cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp khiến công ty gặp khó khăn trong kế hoạch phát hành thêm, hay do việc duy trì niêm yết tốn chi phí lớn trong khi công ty không có mục đích huy động vốn…
Tự nguyện huỷ niêm yết: 2 tình thế trái ngược
Sự việc gần đây là trường hợp của CTCP Đại Thiên Lộc (HoSE: DTL), muốn rời sàn HoSE để tập trung vào việc tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Sau khi hủy niêm yết, Công ty đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.
Kế hoạch hủy niêm yết này được công bố sau khi HoSE tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu DTL do Công ty báo lỗ trong quý 2/2019 gần 38 tỷ đồng dẫn đến lỗ trong 3 quý liên tiếp, từ quý 4/2018 đến quý 2/2019.
Thành lập từ năm 2001 với vốn điều lệ 6 tỷ đồng, Đại Thiên Lộc là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm tôn, thép như thép lá cán nguội, tôn lạnh, tôn kẽm, tôn lạnh màu/tôn màu, thép hộp, ống thép…
Sau giai đoạn 2012-2015 gặp nhiều khó khăn với đỉnh điểm là thua lỗ 73,7 tỷ đồng trong năm 2015. Bước sang năm 2016, năm vàng của ngành thép Việt Nam khi một mặt hưởng lợi từ thị trường xây dựng, bất động sản tăng trưởng mạnh mẽ, mặt khác là giá cả sắt thép tăng trong khi Công ty có sẵn tồn kho và mua hàng giá thấp, đã giúp lợi nhuận của Đại Thiên Lộc liên tục được cải thiện.
Kết thúc năm 2016, Đại Thiên Lộc ghi nhận 184 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và tăng lên 241 tỷ đồng trong năm 2017, cũng là năm có lợi nhuận cao nhất từ khi thành lập. Ðây cũng là giai đoạn thị giá cổ phiếu DTL tăng từ dưới 20.000 đồng/cổ phiếu lên đến hơn 55.000 đồng/cổ phiếu.
Theo kết quả gần đây trong quý 3/2019, doanh thu thuần của Công ty sụt giảm 49% so cùng kỳ, ghi nhận hơn 443 tỷ đồng. Nhờ giá vốn thu hẹp tới 54%, Đại Thiên Lộc thu được hơn 64 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng gần 48%; lợi nhuận sau thuế đạt 7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do kết quả kém khả quan của 2 quý đầu, Đại Thiên Lộc vẫn lỗ ròng lũy kế 9 tháng năm 2019 gần 32 tỷ đồng.
Kinh doanh khó khăn, lợi nhuận suy giảm khiến thị giá cổ phiếu DTL liên tục giảm. Ðến cuối tháng 11/2019, giá trị vốn hóa của Đại Thiên Lộc đã giảm hơn 50% so với mức đỉnh đầu tháng 4/2018.
Những điều trên khiến Đại Thiên Lộc muốn tự nguyện huỷ niêm yết để có thể tập trung làm ăn.
Tuy nhiên, việc hủy niêm yết không được thông qua, với tỷ lệ không đồng ý lên đến 99,98% và hiện tại Công ty vẫn đang giao dịch trên HoSE.
|
Cổ đông sẽ thiệt thòi khi doanh nghiệp huỷ niêm yết. |
Một trường hợp khác cũng tự nguyện huỷ niêm yết là CTCP Công nghệ mạng và Truyền thông (CMT).
Sau 8 năm niêm yết tại HoSE, vào đầu năm 2019, Hội đồng quản trị Công nghệ mạng và Truyền thông đã tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc hủy niêm yết tự nguyện và đăng ký giao dịch cổ phiếu CMT trên UPCoM, với lý do tập trung cho tái cơ cấu.
CMT thành lập năm 2003 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Công ty đã tăng vốn điều lệ lên 80 tỷ đồng vào cuối năm 2009. Kể từ khi niêm yết năm 2010, mức vốn điều lệ này giữ nguyên cho đến nay, nhưng thị giá cổ phiếu giảm hơn 80%.
Trong lịch sử niêm yết của CMT, cổ đông chỉ được nhận cổ tức bằng tiền 1 lần vào năm 2011. Dù hoạt động kinh doanh có lãi, nhưng phần lớn lợi nhuận được CMT giữ lại với lý do để tái đầu tư sản xuất.
Khác với Đại Thiên Lộc, cổ đông của CMT đã thông qua việc hủy niêm yết tự nguyện cổ phiếu của Công ty tại HoSE và chuyển sang đăng ký giao dịch trên UPCoM kể từ ngày 18/4/2019.
Cổ đông nhỏ lẻ sẽ chịu thiệt thòi
Sự khác nhau giữa niêm yết hay đăng ký giao dịch hiện nay chủ yếu nằm ở vấn đề minh bạch thông tin.
Khi còn niêm yết, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về công bố thông tin định kỳ chặt chẽ trong khung thời gian xác định, mật độ và yêu cầu công bố thông tin cũng cao hơn.
Trong khi đó, trên UPCoM, nghĩa vụ công bố thông tin giảm nhẹ đáng kể, nên các cổ đông bên ngoài, nhất là các cổ đông nhỏ lẻ, vốn đã khó khăn và thiệt thòi trong việc tiếp cận với thông tin về doanh nghiệp, nay sẽ càng khó khăn hơn.
Thực tế, để doanh nghiệp có động lực và điều kiện phát triển, trong đó tiếp cận được nguồn vốn dài hạn, nâng cao năng lực quản trị, thì con đường niêm yết gắn liền với tính minh bạch là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp niêm yết, ban lãnh đạo cho rằng, các nghĩa vụ của doanh nghiệp niêm yết như là một gánh nặng, nên muốn hủy niêm yết. Không ít ý kiến cho rằng, quyết định hủy niêm yết chỉ là cách để một nhóm cổ đông lớn có cơ hội đạt được mục đích riêng.
Khi không còn niêm yết, doanh nghiệp lơ là công bố thông tin, giá cổ phiếu và thanh khoản sụt giảm, các cổ đông nhỏ lẻ có thể buộc phải bán ra cổ phiếu và đó là lúc các cổ đông lớn thâu mua giá rẻ.