Người đàn bà thép đằng sau chiến thắng của Thuỷ điện Vĩnh Sơn với nhà thầu Trung Quốc

Vừa qua, thông tin một công ty tại Việt Nam thắng kiện nhà thầu Trung Quốc gây xôn xao dư luận. Đứng sau cuộc chiến đó là một người phụ nữ tài ba.

Ngày 14/11, TAND Hà Nội đã có quyết định về việc huỷ hoàn toàn Phán quyết trọng tài ngày 10/4 của Hội đồng trọng tài 24/12 buộc CTCP Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HoSE: VSH) phải bồi thường số tiền hơn 2.163 tỷ đồng cho Tổ hợp nhà thầu gồm Viện thiết kế Hydro China Huadong và Công ty TNHH Cục đường sắt số 18 Trung Quốc.

Được biết, tranh chấp hai bên có liên quan đến dự án Thuỷ điện Thượng Kon Tum, một trong những dự án lớn trọng điểm quốc gia do Vĩnh Sơn – Sông Hinh làm chủ đầu tư năm 2009 với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 7.408 tỷ đồng (hiện điều chỉnh lên 9.428 tỷ đồng).

Năm 2010, tổ hợp nhà thầu này ký hợp đồng xây dựng hạng mục Tuyến năng lượng của dự án, nhưng sau đó dừng công việc do cho rằng chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Còn Vĩnh Sơn – Sông Hinh ngược lại cho rằng nhà thầu vi phạm nghiêm trọng hợp đồng do chậm trễ thi công.

Năm 2014, phía nhà thầu Trung Quốc kiện Vĩnh Sơn – Sông Hinh lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và được VIAC tuyên thắng kiện vào tháng 4/2019, buộc Vĩnh Sơn – Sông Hinh phải thanh toán và bồi thường 2.163 tỷ đồng.

Lúc bấy giờ, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn tại Vĩnh Sơn - Sông Hinh.

Vì vướng vụ kiện tụng nên SCIC đã thoái hết vốn tại Công ty. Theo đó, REE do bà Nguyễn Thị Mai Thanh lãnh đạo đã mua cổ phần Vĩnh Sơn - Sông Hinh từ SCIC vào thời điểm này.

Để sở hữu 21,01% tại Vĩnh Sơn - Sông Hinh, REE đã bỏ ra gần 700 tỷ đồng, trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco 3), đồng thời chịu trách nhiệm giải quyết luôn vụ kiện tụng tại Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum.

Việc Vĩnh Sơn - Sông Hinh thắng kiện hoàn toàn do quyết tâm và nỗ lực của “nữ tướng” Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh (REE).

"Nữ tướng" REE gây choáng với thu nhập khủng

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh có lẽ đã quá quen thuộc với những người trên thương trường bởi bà thường được mệnh danh là “nữ tướng” hay “bông hồng thép” của REE.

Hiện tại, bà Mai Thanh là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc REE. Bà Thanh đã từng được Tạp chí Forbes vinh danh và đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen) năm 2014.

Nguoi dan ba thep dang sau chien thang cua Thuy dien Vinh Son voi nha thau Trung Quoc
 "Nữ tướng" Nguyễn Thị Mai Thanh của REE.

Gia nhập REE từ năm 1982 với vị trí là một kỹ sư, sau đó bà Thanh đã trở thành lãnh đạo công ty từ năm 1985. REE dưới sự dẫn dắt của bà Mai Thanh đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu trị giá hàng trăm triệu đôla. 

Công ty REE còn được biết đến là công ty Việt Nam đầu tiên cổ phần hóa, đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán, đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi...

REE đang là nhà thầu cơ điện (M&E) dẫn đầu và sở hữu danh mục đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, điện, nước và than nhiều triển vọng.

Bước vào năm 2019, đứng trước những thử thách bất lợi của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, REE M&E tiếp tục củng cố vị thế hàng đầu của một nhà thầu cơ điện công trình. Với năng lực tài chính lành mạnh, REE tiếp tục theo đuổi các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng điện, nước và văn phòng thương mại”, bà Nguyễn Thị Mai Thanh gửi đến cổ đông trong Báo cáo thường niên năm 2019 khi tự hào nói về REE - cơ ngơi của chính mình.

Gần đây, REE chính thức đầu tư tại Singapore và chuyển mình khi mở rộng đầu tư thêm một hệ sinh thái điện nước thông qua các công ty liên doanh, liên kết.

Theo số liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019, REE đang đầu tư vào 20 công ty liên kết với tổng giá trị đầu tư gần 6.600 tỷ đồng.

Chiếm phần lớn trong các khoản đầu tư của REE là các công ty thuộc lĩnh vực nước và điện. Trong đó có 8 công ty ngành nước với tổng giá trị đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.

Đối với ngành điện, REE đang đầu tư vào 9 công ty liên kết ngành điện với tổng giá trị đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng. 

Là "nữ tướng" của một "ông lớn" có tiếng, chắc hẳn thù lao bà Mai Thanh nhận về cũng phải xứng đáng, năm 2017, nhiều người xôn xao biết được thu nhập khủng của bà.

Trong năm 2018, thành viên Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc REE được trả 22,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 21,8 tỷ đồng của năm 2017. Con số bà Mai Thanh có thể nhận là 5,6 tỷ đồng cho năm 2018, tương đương 466 triệu đồng/tháng.

Trong năm 2019, bà Mai Thanh tiếp tục có cơ hội nhận lương khủng. Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2019 của REE thông qua thù lao Hội đồng quản trị và các Tiểu ban trực thuộc 2019 là 5 tỷ đồng.

Bình quân mỗi lãnh đạo Hội đồng quản trị được trả 1 tỷ đồng/người/năm. Là người đứng đầu Hội đồng quản trị, nhiều khả năng bà Thanh nhận hơn 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Mai Thanh còn được nhận cổ tức từ REE khi nắm giữ gần 23 triệu cổ phiếu REE, tương đương 7,33% vốn công ty. Lượng cổ phiếu này mang về cho bà Mai Thanh 41,4 tỷ đồng tiền cổ tức năm 2018.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN