Điểm danh 6 cổ phiếu nên lựa chọn cho tháng 8

Những doanh nghiệp được ưu tiên lựa chọn có kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2024 tăng trưởng tốt, định giá hợp lý, hoặc thuộc những ngành hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ nền kinh tế gồm ACB, HPG, IDC, MWG, PTB và PVD.
Kết thúc tháng tháng 7, VN-Index đạt 1.251 điểm, giảm nhẹ 0,3% với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn giảm gần 12% so với tháng trước. Thanh khoản suy yếu đến từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi chỉ số tiếp tục điều chỉnh trước vùng kháng cự 1.300 điểm. Nhóm ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt chỉ số trong tháng 7 và là nhóm thu hút dòng tiền tốt giai đoạn hiện tại.
Bước sang tháng 8, bức tranh lợi nhuận quý 2 đã dần hoàn thiện và cho thấy tín hiệu tích cực với mức tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 12,8% so với quý trước đó.
Theo Chứng khoán Agribank (Agriseco), sau nhịp điều chỉnh vừa qua, các yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường giai đoạn tới có thể kể đến như (1) Fed nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 9 qua đó giảm áp lực lên tỷ giá và áp lực rút ròng của khối ngoại; (2) Nền kinh tế vĩ mô tiếp tục phục hồi, hoạt động xuất khẩu khả quan; (3) Các chính sách như giảm thuế VAT, tăng lương cơ sở cho khu vực công có thể giúp kích cầu tiêu dùng.
Với lợi nhuận tăng trưởng trong quý 2 và triển vọng tích cực trong các quý sắp tới, P/E cho năm 2024 của VN-Index ước tính ở mức 11,7 lần, tương đối hấp dẫn khi thấp hơn so với mức 13,7 lần trung bình 5 năm vừa qua.
Sau khi đánh giá chọn lọc, Agriseco công bố danh mục đầu tư tiềm năng trong tháng 8 năm 2024. Những doanh nghiệp được ưu tiên lựa chọn có kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2024 tăng trưởng tốt, định giá hợp lý, hoặc thuộc những ngành hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ nền kinh tế gồm ACB, HPG, IDC, MWG, PTB và PVD.
Diem danh 6 co phieu nen lua chon cho thang 8
Danh mục khuyến nghị tháng 8/2024 của Agriseco 
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB): KQKD nửa đầu năm 2024 duy trì đà tăng trưởng tích cực. LNTT 6T/2024 của ACB ghi nhận 10.500 tỷ đồng (+5% yoy) nhờ NII tăng trưởng 11% yoy và NFI (thu nhập phí) tăng 13% yoy. Tỷ lệ NIM 6T/2024 là 3,80% - duy trì ổn định so với mức 3,84% (năm 2023). Agriseco cho rằng tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm 2024 sẽ đóng góp tích cực vào thu nhập lãi ròng (NII) của ACB trong nửa cuối năm 2024, từ đó kỳ vọng tỷ lệ NIM năm 2024 của ACB cải thiện về mức 4%.
Tăng trưởng tín dụng và huy động đều cao. Tăng trưởng tín dụng 6T/2024 của ACB đạt 12,8%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 6%, trong đó cho vay KHDN và KHCN đều tăng trưởng tốt (+12% so với đầu năm). Tăng trưởng tiền gửi trong 6T/2024 đạt 6,0% - cao hơn mức tăng trưởng toàn hệ thống là khoảng 2%. Ngoài ra, tỷ lệ CASA quý 2/2024 của ACB đã cải thiện, đạt 21,6%.
Chất lượng tài sản cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu của ACB tương đối ổn định ở mức 1,50% trong quý 2/2024. Agriseco nhận thấy tỷ lệ nợ nhóm 2 đã cải thiện, giảm 25 điểm cơ bản so với quý trước. Theo ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu tháng 6/2024 thấp hơn tháng 5/2024, báo hiệu tỷ lệ nợ xấu của ACB cả năm 2024 có xu hướng giảm. Tính tới thời điểm 30/06/2024, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của ACB đạt 77,8%.
Định giá hấp dẫn: Hiện nay, cổ phiếu ACB giao dịch tại mức định giá P/B là 1,4x, khá hấp dẫn so với trung bình cổ phiếu 5 năm gần đây, đồng thời ngân hàng có hiệu suất sinh lời cao với tỷ lệ ROE năm 2023 là 25%. 
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Cập nhật KQKD Q2/2024 và 6 tháng năm 2024: Trong quý 2/2024, HPG ghi nhận doanh thu đạt 39.555 tỷ đồng, tăng 34% và LNST đạt hơn 3.319 tỷ đồng, tăng 127% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6T/2024, doanh thu đạt gần 70.408 tỷ đồng, tăng 25,5% và LNST đạt 6.189,8 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần so với 6 tháng đầu năm 2023.
Về tình hình tiêu thụ: Trong quý 2, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và thép HRC đạt 2 triệu tấn, tăng 13% so với quý trước và tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng thép xây dựng tăng 33% so với quý trước và tăng 62% so với cùng kỳ; sản lượng thép HRC giảm 10% so với quý trước và đi ngang so với cùng kỳ năm trước.
Kỳ vọng sản lượng tiêu thụ tiếp tục cải thiện với đóng góp chính từ thép xây dựng trong nước: Theo hiệp hội Thép Việt Nam, tăng trưởng ngành xây dựng 6 tháng đầu năm đạt 7,34% so với cùng kỳ năm trước, thị trường BĐS Q2/24 tiếp tục ghi nhận tín hiệu hồi phục về nguồn cung, tăng gấp 3 lần và lượng giao dịch tăng gấp 2,4 lần so với quý trước. Ngoài ra, các bộ luật sửa đổi gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024 kỳ vọng sẽ giúp nguồn cung BĐS gia tăng, qua đó tăng nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước.
Biên lợi nhuận gộp dự báo cải thiện trong các quý tới nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm: Tính từ đầu năm đến nay, giá than cốc và quặng sắt đang trong xu hướng giảm do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn yếu. Trong khi đó, giá thép nội địa chỉ giảm nhẹ và được dự báo sẽ tăng lại trong nửa cuối 2024 nhờ nhu cầu từ thị trường bất động sản giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp. 
Tổng Công ty Idico (IDC)Cập nhật KQKD Q2.2024 và nửa đầu năm 2024: Trong Quý 2, doanh thu đạt 2.148 tỷ đồng (-11% yoy), trong đó mảng KCN tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn trên 46% tổng doanh thu. Lũy kế năm 6 tháng đầu năm 2024, IDC ghi nhận doanh thu là 4.615 tỷ đồng (+30% yoy) và LNST 1.381 tỷ đồng (+65% yoy).
Hoạt động cho thuê KCN kỳ vọng duy trì tích cực nửa cuối năm: Doanh thu KCN trong 6T/2024 đạt 2.354 tỷ đồng (+53% yoy). Hoạt động cho thuê tiếp tục tăng tốt khi tính đến thời điểm 30/6/2024, doanh thu chưa thực hiện ghi nhận 5.645 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. IDC có kế hoạch cho thuê 145ha đất trong năm nay. Giá cho thuê bình quân cuối Quý 1/2024 tại các KCN của IDC tiếp tục tăng 4% lên khoảng 135 USD/m2/chu kỳ thuê so với cuối năm trước. Theo đó, Agriseco dự báo doanh thu mảng KCN sẽ tăng tích cực nhờ diện tích cho thuê đã ký ghi nhớ nhưng chưa ghi nhận còn lớn ở các dự án KCN lớn với giá thuê dự kiến tăng 7-10% yoy.
Mảng BĐS và điện dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định: Mảng BĐS có doanh thu tăng gấp gần 7 lần cùng kỳ (369 tỷ đồng) nhờ chuyển nhượng 1,45ha cho Aeon Mall. Dự kiến các quý tới, mảng BĐS sẽ tiếp tục ghi nhận bàn giao phần diện tích còn lại 0,73ha dự án KDC Tân An cho Aeon Mall và bàn giao dự án Osaka Garden - KĐT Bắc Châu Giang. Mảng điện tăng 9% và dự báo duy trì ổn định nhờ sản lượng thủy điện và truyền tải điện tại các trạm biến áp hồi phục. 
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG)Cập nhật KQKD Q2/2024 và 6T/2024: Trong Quý 2, MWG ghi nhận doanh thu và LNST lần lượt đạt 34.385 tỷ đồng (+16% yoy) và 1.172 tỷ đồng (+6.700% yoy). Đây là mức lợi nhuận cao nhất của MWG trong vòng 9 quý gần đây và xấp xỉ giai đoạn trước khi lợi nhuận suy giảm trong năm 2023. Qua đó trong 6T/2024, doanh thu đạt 66.070 tỷ đồng (+16% yoy) và LNST đạt 2.075 tỷ đồng (+5.300% yoy). Các mảng kinh doanh đều ghi nhận KQKD khả quan trong Q2/2024 và 6T/2024, trong đó:
Chuỗi Thế giới di động (TGDĐ, bao gồm Topzone) và Điện Máy Xanh (ĐMX) tiếp đà phục hồi: Trong 6T/2024, doanh thu của 2 chuỗi đạt 44.867 tỷ đồng (+7,2% yoy), lợi nhuận gộp đạt 8.824 tỷ đồng (+30% yoy). Biên lợi nhuận gộp mảng ICT cải thiện mạnh mẽ nhờ chiến dịch tái cơ cấu hoạt động tại các cửa hàng. Mặc dù số lượng cửa hàng giảm đi từ đầu năm 2024 khi đóng 22 cửa hàng TGDĐ và 97 cửa hàng ĐMX, nhưng hiệu quả kinh doanh lại tăng vọt với mức doanh thu, lợi nhuận đều tăng trưởng và biên lợi nhuận cải thiện.
Chuỗi Bách hóa xanh (BHX) đạt doanh số kỷ lục, đã có lãi trong Q2/2024: BHX tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng doanh thu của toàn công ty. Trong 6T/2024, doanh thu của chuỗi đạt 19,4 ngàn tỷ đồng (+42% yoy). Mặc dù không liên tục mở thêm cửa hàng mới nhưng BHX vẫn tăng trưởng về doanh thu cho thấy hiệu quả hoạt động đã cải thiện tích cực từ sau tái cấu trúc. T6/2024 doanh thu bình quân mỗi cửa hàng của BHX đạt 2,1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, tiếp tục cải thiện so với mức 2,0 tỷ đồng/cửa hàng/tháng của tháng trước đó và là mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Qua đó chuỗi BHX cũng đã ghi nhận lợi nhuận trong Quý 2/2024. 
CTCP Phú Tài (PTB)Cập nhật KQKD Q2 và 6T/2024: Doanh thu thuần hợp nhất quý 2/2024 của Phú Tài đạt 1.637 tỷ đồng, tăng 10,56% và LNST đạt xấp xỉ 114 tỷ đồng, tăng 11,61% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Phú Tài đạt 3.045 tỷ đồng, tăng 5,6% yoy, LNST đạt 204 tỷ đồng, tăng 20,7% yoy. Trong đó, động lực tăng chủ yếu tới từ mảng gỗ khi doanh thu thuần đạt hơn 1.792 tỷ đồng, tăng 22% yoy.
Triển vọng thị trường xuất khẩu tích cực: Theo số liệu từ tổng cục hải quan, giá trị xuất khẩu gỗ đang liên tục hồi phục trong thời gian gần đây. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ đạt hơn 7,15 tỷ USD, tăng 20% yoy. Tại thị trường trọng điểm là Mỹ, giá trị xuất khẩu gỗ lũy kế 6 tháng đạt mức 4,05 tỷ USD, tăng 24% yoy. Với kỳ vọng Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 và nhu cầu tại thị trường Mỹ phục hồi, số đơn đặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ có thể sẽ tiếp tục gia tăng khi tồn kho đang ở mức thấp tại thị trường này.
Kỳ vọng từ nâng công suất mảng đá: Phú Tài đã thực hiện nâng công suất nhà máy Thạch anh Đồng Nai từ mức 200.000 tấn/năm lên mức 450.000 tấn/năm trong Q4/2023. Đây có thể coi là nước đi đón đầu nhu cầu hồi phục của PTB cũng như đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ sau khi các đối thủ cạnh tranh tại Trung Quốc bị đánh thuế phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, PTB cũng đang có kế hoạch cung cấp đá cho dự án sân bay Long Thành. Kỳ vọng nếu trúng thầu sẽ mang lại đà tăng trưởng tốt cho doanh nghiệp trong thời gian tới. 
Tổng CTCP Khoan & Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD)Cập nhật KQKD Q2 và 6T/2024: Trong kỳ, doanh thu và LNST của PVD lần lượt đạt 2,254 tỷ đồng (+60% yoy) và 130 tỷ đồng (-16% yoy). Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu ghi nhận 4,036 tỷ đồng (+53% yoy) và LNST đạt 281 tỷ đồng (+34% yoy). Theo đó, công ty đã hoàn thành 65% kế hoạch doanh thu và 74% kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Giá cho thuê giàn khoan dự báo tiếp tục tăng cao hỗ trợ biên lợi nhuận doanh nghiệp trong nửa cuối năm nhờ các yếu tố sau: (1) Thị trường thuê giàn khoan tự nâng khan hiếm. Mới đây, tập đoàn năng lượng Saudi Aramco quyết định giảm số lượng giàn khoan tự nâng, dẫn đến sụt giảm nguồn cung trên thế giới. Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch giàn khoan sang khu vực Trung Đông trong giai đoạn 2022-2023 cũng góp phần khiến nguồn cung tại khu vực châu Á suy giảm; (2) Căng thẳng địa chính trị có xu hướng leo thang làm gián đoạn hoạt động thăm dò và khai thác tại các khu vực sản xuất chính, khiến giá dầu tiếp tục neo cao trong năm 2024.
Hoạt động thăm dò và khai thác được dự báo sẽ sôi động hơn khi nền kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi: Hiện tại, 5/6 giàn khoan của PVD đã ký các hợp đồng tới hết năm 2025, đảm bảo được nguồn doanh thu ổn định cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, với lợi thế là công ty đầu ngành trong lĩnh vực khoan và dịch vụ khoan dầu khí thuộc tập đoàn dầu khí Việt Nam, PVD có tiềm năng trúng thầu cao tại các dự án thăm dò và khai thác lớn của thị trường nội địa như Lạc Đà Vàng, Sư Tử Trắng, đặc biệt là Lô B khi quyết định cuối cùng cho toàn bộ dự án kỳ vọng sẽ có vào cuối quý 3/2024, Mới đây, PVD cũng đã mua mới cụm thiết bị sửa giếng khoan, qua đó sẽ giúp công ty tự chủ về mặt thiết bị và công nghệ cũng như gia tăng thị phần trong khu vực.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN