Trong nhóm cổ phiếu dược, tăng giá ấn tượng nhất là cổ phiếu VMD của Dược phẩm Vimedimex với mức tăng 188% trong 1 tháng qua. Đà tăng của VMD bắt đầu từ 9/8 và kéo dài đến nay với chuỗi phiên tăng trần và cận trần.
Đáng chú ý, trong giai đoạn này, thanh khoản của VMD cũng cải thiện lên gần 43.000 cp/phiên, gấp 6 lần mức bình quân năm.
Một trong những thông tin hỗ trợ tích cực giúp VMD dậy sóng chính là ngày 4/8 vừa qua, công ty Royal Strategics Partners (UAE, công ty thành viên của Group 42) đã đồng ý bán và ký hợp đồng nhập khẩu với VMD 10 triệu liều vắc xin COVID-19 Janssen (Johnson & Johnson's Janssen); 5 triệu liều vắc xin Pfizer và 10 triệu liều vắc xin COVID-19 Sputnik V.
Hiện các bên đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nộp vào Bộ Y tế xin cấp phép nhập khẩu và đơn hàng đầu tiên dự kiến về Việt Nam cuối tháng 8/2021, nếu được Bộ Y tế phê duyệt, cấp phép nhập khẩu kịp thời.
Bất ngờ trong phiên sáng 6/9, cổ phiếu VMD nhanh chóng giảm từ trần xuống mức giá sàn còn 76.700 đồng/cp, tương đương mất 11.400 đồng/cp, dư bán ở mức 59.100 đồng/cp.
Giữa lúc cổ phiếu tăng nóng, bà Đào Thị Bình là vợ ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT có động thái đăng ký bán 200.000 cổ phiếu VMD trong số 540.364 cổ phiếu đang nắm giữ nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân.
Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, dự kiến từ ngày 1-30/9.
|
VMD nhanh chóng nằm sàn sau khi tăng trần chỉ trong thời gian ngắn. |
VMD là công ty xuất nhập khẩu đầu tiên của Bộ Y tế, được thành lập tháng 11/1984. Đến năm 1993, công ty đổi tên thành Công ty XNK Y tế TP HCM. Năm 2006, Công ty được cấp giấy chứng đăng ký kinh doanh hoạt động theo mô hình CTCP, tên gọi chính thức là CTCP Y Dược phẩm Vimedimex, vốn điều lệ 25 tỷ đồng (Nhà nước sở hữu 51%). Qua 5 lần tăng vốn, tới tháng 10/2017, vốn điều lệ Vinmedinex đạt hơn 154,4 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của nhà nước cũng giảm từ 51% xuống 19,49%.
Ngày 30/9/2010, hơn 8,1 triệu cổ phiếu VMD lên sàn lần đầu với giá 32.000 đồng/ cổ phiếu. Hiện, cơ cấu cổ đông VMD 75% sở hữu thuộc về cổ đông lớn, gồm CTCP Dược phẩm Vimedimex 2 (45,34%) và Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN) (10,23%)... Trong đó, DVN là doanh nghiệp do Bộ Y tế sở hữu 65% vốn. Tháng qua, DVN cũng tăng giá hơn 38%.
Năm 2020, VMD ghi nhận doanh thu 18.168 tỷ đồng, trong khi năm trước đó đạt 18.260 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, biên lợi nhuận của Vimedimex lại thấp hơn so với nhiều đối thủ trên thị trường. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hàng năm của Vimedimex ở mức 30 tỷ đồng trong ở các doanh nghiệp khác lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Năm ngoái, công ty báo lãi 37,3 tỷ đồng và nửa đầu năm nay là 19,2 tỷ đồng. Đây cũng là điểm đặc thù thường thấy ở các doanh nghiệp ngành dược, đặc biệt là với mô hình hoạt động phân phối dược phẩm.
Đến 2021, tính riêng trong quý 2, Vimedimex thu về 3.739 tỷ đồng, đi lùi 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, nhờ tiết giảm các chi phí, công ty vẫn báo lãi ròng gần 10 tỷ đồng, tăng 20% so với quý 2/2020.
Lũy kế nửa đầu năm 2021, VMD đạt doanh thu 7.604 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 19 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.