Năm 2020 chứng kiến làn sóng niêm yết, chuyển sàn khá sôi động của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng COVID-19. Tuy vậy, nhiều cổ phiếu đã tăng phi mã ngay khi vừa ghi tên lên bảng điện tử.
Đặc biệt là chuỗi phiên tăng trần liên tục 5 phiên của PSH (CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu), 6 phiên của BCM (Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp), 16 phiên của ABS (CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận, Bitagco) hay 16 phiên của THD (CTCP Thaiholdings),…
Cổ phiếu THD của Thaiholdings đã lập kỷ lục về số phiên tăng kịch trần liên tiếp kể từ ngày chào sàn. Tính từ ngày chào sàn 19/6, THD đã trải qua 17 phiên tăng trần liên tiếp lên mức 95.000 đồng/cp.
Từ cuối tháng 11 đến nay, giá mã này bắt đầu leo dốc trở lại, chốt phiên 1/12 tại 111.000 đồng/cp. Tuy nhiên, theo phương án phát hành 296,1 triệu cổ phiếu, giá tham chiếu phiên 2/12 điều chỉnh xuống còn 24.620 đồng/cp.
Từ đó cho đến nay, cổ phiếu THD tiếp tục tăng phi mã và lập đỉnh lịch sử tại 88.000 đồng/cp khi chốt phiên 22/12, gấp 20 lần so với mức giá trong phiên giao dịch đầu tiên.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có văn bản thông báo về việc đưa cổ phiếu THD ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ từ ngày 22/12 do đã niêm yết đủ 6 tháng tính từ ngày giao dịch đầu tiên.
|
Niêm yết 2020 nhiều niềm vui và lắm nỗi buồn. |
Không thuận lợi như THD, một số cổ phiếu sau cơn sóng tăng mạnh đó là màn quay đầu giảm sốc, đột ngột mất thanh khoản và liên tục nằm sàn khiến nhà đầu tư bị “kẹp hàng”.
Cổ phiếu TTA của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành là một ví dụ điển hình. Trong phiên giao dịch đầu tiên 18/9, hơn 5 triệu cổ phiếu TTA được nhà đầu tư mua ngay tại giá trần 21.600 đồng/cp, cao hơn 20% so với giá tham chiếu.
Mức giá nhà đầu tư trả cho mỗi cổ phiếu TTA hai phiên liền sau đó cũng hơn 23.000 đồng/cp, tổng khối lượng giao dịch xấp xỉ 10 triệu cổ phiếu.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, cổ phiếu TTA giảm kịch sàn sau đó liền 2 phiên và đáng nói hơn là khối lượng giao dịch giảm đáng kể, chỉ còn khớp vài trăm ngàn cổ phiếu. Điều này có nghĩa những nhà đầu tư tham gia mua ở 3 phiên đầu chào sàn sẽ bị “mắc kẹt”.
Những phiên sau đó, cổ phiếu TTA sau đó tiếp tục nằm sàn, thanh khoản cải thiện và tăng cao, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tháo chạy nếu chấp nhận khoản lỗ so với thời điểm mua chào sàn.
Một trường hợp khác mà nhà đầu tư không thể quên được đó là cổ phiếu ABS. Cổ phiếu ABS đã "chào hỏi" các nhà đầu tư bằng 16 phiên tăng trần liên tiếp.
Cụ thể, ngày 18/3, Bitago chính thức đưa 28,8 triệu cổ phiếu ABS lên giao dịch trên sàn HoSE với giá tham chiếu 10.800 đồng/cp. Sau 16 phiên giao dịch, thị giá cổ phiếu này đã lên tới 35.200 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh ngày 9/4), tương đương mức tăng 226%.
Sau đó, cổ phiếu ABS đã "đốt cháy" tài khoản của các nhà đầu tư bằng 13 phiên giảm sàn, trong đó có 10 phiên là liên tiếp. Hiện, ABS đang giao dịch tại mức giá 18.650 đồng/cp, giảm gần 48% so với mức giá đỉnh của ngày 9/4 cũng là phiên tăng trần cuối cùng trong chuối 16 phiên.
Lý giải nguyên nhân "cổ phiếu lên sàn là tăng" hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, thông thường những doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết sẽ được các công ty tư vấn niêm yết định giá để đưa ra khoảng giá hợp lý có thể hấp dẫn nhà đầu tư và tăng giá.
Thực tế, chiến lược "săn" cổ phiếu mới lên sàn đã mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc khi hầu hết những cổ phiếu mới lên sàn đều có những phiên tăng trần kịch biên độ kéo theo đó là chuỗi tăng giá kéo dài, cùng với lệnh mua áp đảo lệnh bán.
Tuy nhiên, việc tăng giá chóng mặt trong những ngày giao dịch đầu tiên lại được nhiều ý kiến cho rằng diễn biến này xuất phát từ tính chất đầu cơ, chạy theo tin đồn để nhanh chóng kiếm lời nên sẽ nhanh chóng đi xuống.
Không phải cổ phiếu nào lên sàn cũng tăng, đơn cử như SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) giảm hết biên độ trong ngày đầu chào sàn. Ngày 15/10, Saigonbank chính thức đưa 308 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM với giá chào sàn 25.800 đồng/cp.
Được biết, với biên độ +/- 40% trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu SGB giá trần sẽ ở mức 36.100 đồng/cp, còn giá sàn sẽ về mức 15.500 đồng/cp.
Tuy nhiên, sau khi chính thức lên sàn trong ít phút, giá cổ phiếu giảm 4.800 đồng/cp xuống mức 21.000 đồng/cp; sau đó liên tục giảm mạnh. Đến đầu phiên chiều, cổ phiếu SGB đã "bốc hơi" 36% so với mức giá chào sàn, tương đương chỉ còn 16.500 đồng/cp.
Kết phiên, cổ phiếu SGB về mức giá 15.600 đồng/cp, giảm 10.200 đồng/cp so với giá chào sàn (-39,5%).
Việc Saigonbank lần đầu chào sàn UPCoM với mức giá chào sàn 25.800 đồng/cp được giới đầu tư chứng khoán cho là… "phi thực tế". Nói phi thực tế bởi dù có quy mô nhỏ, lợi nhuận lẹt đẹt nhưng giá cổ phiếu này được chào sàn cao hơn cả cổ phiếu của một số ngân hàng hiện tại.
Hơn nữa, trên OTC, giá cổ phiếu SGB cũng chỉ giao dịch ở vùng giá 10.000-11.000 đồng/cp. Như vậy dễ hiểu tại sao cổ phiếu SGB bị đè nằm sàn ngay phiên giao dịch đầu tiên.