VN-Index đóng cửa tuần giao dịch 19 – 23/7 với những phiên tăng/giảm đan xen. Càng đến gần phiên chốt tuần, nhà đầu tư càng thêm phần hy vọng khi chứng kiến sự hồi phục của chỉ số chính. Như phiên 22/7, VN-Index đóng cửa ở mức 1.293,67 điểm, tăng 1,8% (tương đương giá trị tuyệt đối là 22,88 điểm).
Dù vậy, chỉ số chính điều chỉnh mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần 23/7 với mức giảm lên đến 25 điểm, kéo VN-Index lùi về mức 1.268,83 điểm.
VN-Index trong tuần giảm tổng cộng 2,34%, là tuần thứ 3 liên tiếp chỉ số giảm điểm.
Số liệu từ Fiin cho thấy, thanh khoản bình quân trên sàn HOSE đạt 18.126 tỷ đồng/ phiên, giảm 6,3% so với tuần trước đó và là tuần có thanh khoản thấp nhất kể từ đầu tháng 5/2021.
Về giao dịch của khối ngoại, nhóm này bán ròng 2.600 tỷ đồng trên HOSE, trong đó bán ròng 622 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Trong tuần, họ tập trung mua ròng khớp lệnh nhóm thực phẩm đồ uống, tập trung vào VNM. Top mua ròng khớp lệnh có VNM, STB, DXG, DGC, GEX, E1VFVN30, VHM, FUEVFVND, PVT, MBB.
Ngược lại, NĐTNN bán ròng mạnh nhóm bất động sản và ngân hàng. Nhóm cổ phiếu được bán ròng mạnh gồm KDH, MSB, VIC, CTG, MSN, SSI, HPG, SAB, PTB, GVR.
Với những diễn biến có phần ảm đạm của chỉ số trong tuần giao dịch vừa qua, lại thêm thông tin Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố 15 ngày (từ ngày 24/7), giới đầu tư không khỏi lo ngại chỉ số chứng khoán sẽ chịu áp lực điều chỉnh.
Trao đổi với Nhadautu.vn, các chuyên gia nhìn nhận chỉ số sẽ chịu áp lực giảm mạnh do tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam: “Chỉ số sẽ có xác suất tạo mô hình chữ ‘U’, giảm từ từ, tăng từ từ, thời gian xác lập đáy theo đó cũng lâu hơn”
Tính từ thời điểm Việt Nam bùng dịch, TTCK đã trải qua 3 đợt giảm điểm mạnh (không tính giai đoạn giảm điểm từ tháng 3/2020 – tháng 4/2020), gồm: Tháng 7/2020 (VN-Index giảm gần 44 điểm phiên 27/7/2020), tháng 1/2021 (VN-Index giảm 60,94 điểm phiên 19/1/2021) và thời điểm hiện tại tháng 7/2021 (VN-Index hiện đã giảm 10,6% tính từ phiên 5 – 23/7).
Tháng 1/2021, VN-Index có phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử giao dịch. Thời điểm đó, ngoài việc chỉ số chịu tác động từ dịch COVID-19, còn có ảnh hưởng từ làn sóng “bán tháo” của lượng lớn nhà đầu tư F0. Còn hiện tại (tính từ phiên 5/7), mức giảm của chỉ số trong từng phiên ít hơn, nhưng giảm lâu hơn, diễn biến giằng co hơn. Do đó, chỉ số sẽ có xác suất tạo mô hình chữ “U”, giảm từ từ, tăng từ từ, thời gian xác lập đáy theo đó cũng lâu hơn.
Việc diễn biến điều chỉnh của chỉ số kéo dài một phần còn do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Có thể thấy, tình hình dịch hiện tại có tác động mạnh hơn và căng thẳng hơn khi TP.HCM và TP. Hà Nội đều đã áp dụng Chỉ thị 16. Những lo ngại này phần nào giải thích cho việc cầu mua trên thị trường khá yếu trong thời gian gần đây.
Ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam: Tâm lý bi quan trên thị trường có thể xem là cơ hội.
Thông tin giãn cách xã hội TP. Hà Nội đã được đồn đoán từ trước, và điều này đã tác động tiêu cực đến chỉ số VN-Index vào cuối phiên Thứ Sáu (ngày 23/7), đặc biệt là phiên ATC.
Tôi cho rằng, tâm lý nhà đầu tư có thể sẽ ảnh hưởng đến chỉ số ngay trong phiên đầu tuần tới. Bởi, bên cạnh thông tin TP. Hà Nội giãn cách, tâm lý thị trường nhiều khả năng còn chịu sự chi phối bởi thông tin số ca nhiễm mới tại TP.HCM vẫn tiếp tục tăng cao, dịch chưa có đỉnh...
Dù vậy, tôi nghĩ sự bi quan này có thể xem là cơ hội khi các tăng trưởng vĩ mô, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trong nửa đầu năm 2021 vẫn rất khả quan. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng mua vào các cổ phiếu, đặc biệt là các công ty có triển vọng kinh doanh tốt.