DIG: Kế hoạch LNTT năm 2023 tích cực, gấp 5,7 lần so với dự báo
Chứng khoán VietCap (VCSC): Vào ngày 21/07, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) đã tổ chức ĐHCĐ lần thứ 2 sau khi ĐHCĐ ngày 28/06 không tổ chức thành công do số cổ đông tham dự không đạt tỷ lệ theo quy định. Các nội dung chính đã được cổ đông thông qua như sau:
Kế hoạch kinh doanh năm 2023: Cổ đông đã thông qua kế hoạch LNTT năm 2023 tăng 604% YoY lên 1,4 nghìn tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với dự báo của chúng tôi là 246 tỷ đồng (+24% YoY). Tuy nhiên, ban lãnh đạo không đưa ra định hướng rõ ràng để đạt được kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cao này. Chúng tôi hiện dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 đạt 199 tỷ đồng (+38% YoY), chủ yếu nhờ việc bàn giao tại dự án Nam Vĩnh Yên và bắt đầu bàn giao tại dự án Vị Thanh.
Điều chỉnh kế hoạch phát triển tại dự án Chí Linh: DIG dự kiến đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án Chí Linh (Vũng Tàu) về tiến độ phát triển, chi phí đầu tư và/hoặc các nội dung khác. Các cổ đông cũng đã thông qua đề xuất tăng tổng chi phí đầu tư tại dự án này từ 1,1 nghìn tỷ đồng (đã được Bộ Xây dựng phê duyệt năm 2009) lên 9,6 nghìn tỷ.
Cơ cấu HĐQT: Cổ đông đã bầu HĐQT mới cho nhiệm kỳ 2023-2027. HĐQT mới gồm 5 thành viên: ông Nguyễn Thiện Tuấn (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Hùng Cường (Phó Chủ tịch HĐQT), bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Quang Tín (TGĐ) và ông Đinh Hồng Kỳ.
ACB: Chất lượng tài sản vẫn vững chắc
Chứng khoán Yuanta: LNTT Q2/2023 của ACB là 4,8 nghìn tỷ đồng, giảm -6% QoQ /-2% YoY.
LNTT 1H23 (+11% YoY) đã hoàn thành 50% kế hoạch cả năm của Ngân hàng và dự báo của chúng tôi.
Tăng trưởng tín dụng đạt 4,7% YTD và huy động vốn tăng 4,2% YTD tại thời điểm cuối Q2/2023. Tỷ lệ cho vay / vốn huy động (LDR) của ngân hàng là 79,1%, thấp hơn nhiều so so với mức giới hạn của NHNN là 85,0%.
Tăng trưởng tín dụng trong 1H23 chủ yếu đến từ khách hàng doanh nghiệp (+11,5% YTD), tiếp đến là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (+6,1% YTD) và khách hàng cá nhân (+3,3% YTD). Ngành bất động sản chiếm 24% tổng tín dụng, chủ yếu là cho vay mua nhà chiếm 80% tổng tín dụng cho ngành bất động sản trong 1H23.
Thu nhập lãi ròng trong Q2/2023 là 6,2 nghìn tỷ đồng (đi ngang QoQ /+11% YoY). Ngân hàng cho biết tỷ lệ NIM/ tổng tài sản bình quân là 4,02% (-10 điểm cơ bản YoY). Ngân hàng dự kiến NIM sẽ giảm -10 đến -20 điểm cơ bản YoY trong năm 2023.
Thu nhập phí ròng trong Q2/2023 là 804 tỷ đồng (+28% QoQ/ nhưng - 19% YoY). Mức tăng svck là nhờ thu nhập từ thẻ (+68% YoY), trong khi mức giảm YoY là do doanh số banca thấp hơn. Thu nhập phí ròng trong 1H23 đã giảm -17% YoY, do doanh số banca giảm (-17% YoY).
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) cải thiện lên 31% trong Q2/2023 do doanh thu tăng +16% QoQ trong khi chi phí hoạt động đi ngang QoQ. Ban lãnh đạo cho biết chi phí hoạt động sẽ tăng trong 2H23, điều này sẽ đẩy tỷ lệ CIR lên 35% cho năm 2023.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của ACB là 0,96% (-1 điểm cơ bản QoQ) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) là 105% (-12 điểm phần trăm QoQ) dựa trên báo cáo tài chính Q2/2023. Tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng +4% QoQ, ước tính chiếm 0,88% tổng dư nợ (đi ngang QoQ). ACB cho biết thêm rằng tỷ lệ nợ xấu sau CIC cao hơn ở mức 1,07% (+10 điểm cơ bản QoQ), chênh lệch này là do một khách hàng có nợ xấu tại một ngân hàng khác.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là 12,4% tại thời điểm cuối Q2/2023. Nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn là 19,2%, thấp hơn nhiều so với mức giới hạn 34% của NHNN.
Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi trong 2H23 nhờ các chính sách nới lỏng gần đây của NHNN và lãi suất có thể sẽ tiếp tục giảm trong 2H23. ACB có dư địa để mở rộng cho vay và cải thiện NIM nhờ nguồn vốn và thanh khoản dồi dào thể hiện qua LDR và nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn còn ở mức thấp.
Chiến lược quản trị rủi ro thận trọng. ACB không có khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp; điều này giúp ngân hàng tránh được rủi ro trực tiếp từ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp. Tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ACB vẫn duy trì ở mức ổn định, thêm vào đó là nguồn vốn dồi dào.
ACB hiện đang giao dịch tương ứng với P/B 2023E là 1,2x, cao hơn một chút so với trung vị ngành là 1,1x. Tuy nhiên, ACB có kết quả kinh doanh vượt trội với ROE 2023E (theo dự báo của chúng tôi) đạt 24%, so với trung vị ngành là 19% (Bloomberg) và chất lượng tài sản tốt hơn so với ngành, theo quan điểm của chúng tôi.
GDT: Doanh thu phục hồi, việc mua lại nhà máy mới chưa có tiến triển
VCSC: CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT) công bố KQKD nửa đầu năm 2023 với doanh thu giảm 36% YoY và LNST giảm 65% YoY, lần lượt hoàn thành 29% và 19% dự báo của chúng tôi.
Trong quý 2/2023, doanh thu tăng 41% so mức cơ sở thấp trong quý 1/2023 do khách hàng bổ sung hàng sau nỗ lực giải phóng hàng tồn kho trước đó. Biên lợi nhuận gộp quý 2/2023 cũng cải thiện nhẹ lên 29% so với 27% trong quý 1/2023.
Tuy nhiên, các chỉ số này vẫn yếu so với cùng kỳ. Ngoài ra, LNST quý 2/2023 của GDT không cải thiện so với quý trước do tính thời vụ của chi phí bán hàng & quản lý (SG&A).
Ngoài ra, việc mua lại một nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất vẫn chưa được hoàn tất do các vấn đề pháp lý về quyền sử dụng đất tại công ty mục tiêu, theo ban lãnh đạo của GDT. Do đó, kết quả quý 2/2023 không bao gồm nhà máy này. Khoản đầu tư của công ty vẫn còn trên bảng cân đối kế toán dưới mục các khoản phải thu. Chúng tôi đã đưa nhà máy này vào dự báo của chúng tôi cho năm 2023.
Do đó, chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm đối với dự báo của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.