Eximbank phát hành 265 triệu cổ phiếu khi 'ghế nóng' Chủ tịch đang bị lung lay

Eximbank sắp phát hành 265 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 18% cho cổ đông trong bối cảnh "ghế nóng" Chủ tịch đang bị lung lay.
Ngày 21/7, HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2023 để trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại luỹ kế các năm trước (đến cuối 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ.
Theo đó, Eximbank dự kiến phát hành thêm 265,55 triệu cổ phiếu nằm tăng vốn từ 14.814 tỷ lên 17.469 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành 18%. Trong đó, cổ đông Sumitomo vẫn nắm 2,26% vốn, cổ đông Nhà nước 5,07%.
Thời gian dự kiến hoàn thành việc tăng vốn này là trước ngày 31/10/2023.
Theo Eximbank, sự cần thiết của việc tăng vốn điều lệ là theo định hướng chiến lược đến 2025, Eximbank là ngân hàng phát triển bền vững và tăng năng lực tài chính.
Cụ thể, theo Quyết định 689 của Chính phủ về đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 định hướng mục tiêu vốn điều lệ với nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn thì vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng. Sau khi Eximbank hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 thì hiện nay vốn điều lệ mới đạt quy mô 14.814 tỷ đồng. Do vậy Eximbank cần thiết phát hành tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo đạt mức vốn điều lệ mục tiêu.
Về khía cạnh quản lý rủi ro, Eximbank đã đáp ứng yêu cầu của NHNN về quản lý rủi ro theo Basel II. Trong thời gian qua, hệ số an toàn vốn hợp nhất của Eximbank đáp ứng yêu cầu tối thiếu theo Thông tư 41/2016. Một trong các trụ cột quan trọng của việc áp dụng Basel II là mức độ đủ vốn, để đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện mức yêu cầu vốn nội bộ, Eximbank đã cơ bản hoàn thiện các yêu cầu của ICAAP và áp dụng chính thức Thông tư 13/2018.
Ngoài 3 rủi ro trọng yếu đã được đánh giá tại trụ cột 1 khi tính hệ số an toàn vốn là rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động thì Eximbank cần xác định và tính toán mức vốn bổ sung cho một số rủi ro trọng yếu khác như rủi ro tập trung, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng.
Do đó, trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước liên tục diễn biến phức tạp, Eximbank rất cần bổ sung vốn để đảm bảo an toàn hoạt động trong trường hợp có diễn biến bất lợi, đáp ứng kế hoạch kinh doanh và khẩu vị rủi ro, duy trì mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, vốn điều lệ là chỉ số quan trọng trong xem xét, đánh giá cấu trúc vốn của các ngân hàng khi xem xét đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế...
Eximbank phat hanh 265 trieu co phieu khi 'ghe nong' Chu tich dang bi lung lay
 
Trên thị trường, kết phiên ngày 21/7, cổ phiếu EIB đóng cửa ở mức 20.100 đồng/cp, ghi nhận mức tăng hơn 4,4% trong vòng 3 tháng qua. Thanh khoản cũng khá sôi động khi bình quân hơn 5,5 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên. 
Đặc biệt, cổ phiếu EIB liên tục ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận khủng trước các tranh chấp liên quan đến vị trí Chủ tịch. Tính riêng từ đầu tháng 7 đến nay, đã có hơn 146 triệu cp được giao dịch với tổng giá trị hơn 3.034 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 20.754 đồng/cp.
Các phiên ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn như 19/07 (20,5 triệu cp), phiên 14/07 (22 triệu cp), phiên 07/07 (34 triệu cp).
Việc Eximbank phát hành cũng như cổ phiếu biến động mạnh diễn ra trong bối cảnh nhóm cổ đông do ông Trần Hoàng Ninh làm đại diện tiếp tục gửi yêu cầu lần 2 vẫn với nội dung rút đề cử và yêu cầu bãi nhiệm tân Chủ tịch Đỗ Hà Phương.
Thông đó, ông Ninh cho biết đại diện cho những cổ đông đã đề cử bà Đỗ Hà Phương vào vị trí Thành viên HĐQT Eximbank. Tuy nhiên, sau khi được đề cử, bà Đỗ Hà Phương đã không thực hiện nghiêm túc chức vụ đang đảm nhiệm, gây xáo trộn nghiêm trọng trong hoạt động của Eximbank.
Đồng thời, ông Ninh cho rằng bà Phương không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cũng như ý chí phát triển Eximbank minh bạch và ổn định của các cổ đông.
Văn bản nêu nhóm cổ đông này xác định không yêu cầu và hoàn toàn bác bỏ việc bà Đỗ Hà Phương tự ý mời họp HĐQT, bỏ phiếu biểu quyết bầu Chủ tịch HĐQT, bỏ phiếu biểu quyết miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT và các phiếu biểu quyết khác tại ngày 28/6/2023.
Hành vi của bà Phương có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm của cổ đông đề cử để trục lợi cá nhân do thực hiện công việc trái với ý chí và trái với quyền, lợi ích của cổ đông.
Do đó, nhóm cổ đông này đã thống nhất thông báo với HĐQT, BKS và Tổng Giám đốc Eximbank việc chấm dứt các ủy quyền, đề cử và đề nghị rút bà Đỗ Hà Phương khỏi HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025) vì "bà Phương không bảo đảm điều kiện làm Thành viên HĐQT Eximbank do vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng".
Nhóm cổ đông do ông Trần Hoàng Ninh làm đại diện cũng đề nghị HĐQT, BKS và Tổng Giám đốc Eximbank thực hiện các thủ tục liên quan đến việc bãi nhiệm bà Đỗ Hà Phương theo quy định và báo cáo cổ đông trước ngày 28/07/2023. Bên cạnh đó, nhóm cổ đông này sẽ thay đổi người đại diện vốn của họ vào vị trí Thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025) thay cho bà Đỗ Hà Phương trong kỳ đại hội cổ đông bất thường sắp tới của Eximbank.
Lý do nhóm cổ đông này phải gửi văn bản lần hai là vì sau khi gửi yêu cầu lần trước, nhóm cổ đông này không nhận được trả lời.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN