Khuyến nghị mua DHC với giá 81.800 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) với giá mục tiêu 81.800 đồng/cp, dựa trên khả năng của DHC trong việc tận dụng đà tăng trưởng tiêu thụ của giấy bao bì tại Việt Nam nhờ vào năng lực đã được chứng minh của công ty và tiềm năng mở rộng công suất.
VCSC tăng giá mục tiêu thêm 22% nhờ điều chỉnh tổng LNST giai đoạn 2021-2023 tăng 20% khi KQKD quý 4/2020 của DHC cho thấy nhu cầu giấy mạnh hơn và chi phí hoạt động thấp hơn kỳ vọng. Ngoài ra, công suất thực tế của nhà máy giấy Giao Long 2 vượt dự báo trước đây.
VCSC điều chỉnh tăng tổng sản lượng bán giấy giai đoạn 2021-2023 thêm 7% trong khi tăng biên lợi nhuận gộp dự phóng giai đoạn 2021-2023 thêm trung bình 30 điểm cơ bản, nhờ giá bán trung bình (ASP) dự kiến cao hơn bù đắp cho chi phí thùng carton cũ (OCC) cao hơn do dịch COVID- 19 làm gián đoạn nguồn cung OCC toàn cầu.
VCSC dự báo EPS sẽ tăng 17% trong năm 2021 và đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 7% trong giai đoạn 2021-2023 – mức tăng trưởng giai đoạn sau chủ yếu được thúc đẩy bởi ASP cao hơn và giá OCC quay về mức bình thường sau dịch COVID-19. Trong khi đó, VCSC ước tính công suất giấy hiện tại của DHC sẽ được sử dụng toàn bộ trong năm 2021.
Các dự báo chưa ghi nhận tiềm năng của nhà máy Giao Long 3 – nhà máy có thể tăng công suất giấy của DHC thêm ít nhất 120% theo ước tính – do tiến độ thực hiện chưa chắc chắn.
Giá mục tiêu tương ứng P/E năm 2021 của DHC là 10,2 lần, thấp hơn nhẹ so với P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành là 10,9 lần.
Rủi ro đối với quan điểm tích cực: Giá bán giấy thấp hơn do các đối thủ cạnh tranh gia tăng công suất; tình trạng khan hiếm OCC kéo dài do dịch COVID-19 bùng phát tại các quốc gia phát triển.
|
Cổ phiếu nào đáng chú ý phiên 1/2? |
Ngưỡng hỗ trợ của HPX nằm tại mốc 33.000 đồng/cp
CTCK BIDV (BSC): HPX đang ở trong trạng thái tăng giá sau tích lũy trong ngắn hạn quanh vùng giá 33-34. Thanh khoản tăng cao trong phiên hôm nay đã đẩy giá cổ phiếu đóng cửa ở mức trần.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Mặc dù chỉ báo động lượng RSI vừa đi vào vùng quá mua nhưng đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của HPX nằm tại khu vực xung quanh 33. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 42.2, cắt lỗ nếu ngưỡng 32 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị GVR với giá mục tiêu 19.500 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (GVR) công bố KQKD tích cực trong quý 4/2020 với doanh thu tăng 27% YoY đạt 9,1 nghìn tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS tăng 82% YoY đạt 2,7 nghìn tỷ đồng.
Tăng trưởng doanh thu của GVR trong quý 4 chủ yếu được thúc đẩy bởi mảng cao su tự nhiên (CSTN); trong khi đó, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu nhờ thu nhập tài chính tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái đến từ lãi thu được từ thoái vốn.
Mảng CSTN tích cực trong quý 4/2020, ghi nhận doanh thu tăng trưởng 32% YoY đạt 7,2 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 80% tổng doanh thu quý 4 của GVR. Mức tăng trưởng mạnh mẽ này đến từ xu hướng thuận lợi của giá CSTN toàn cầu trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung do dịch COVID-19.
Trong khi đó, thu nhập tài chính quý 4 tăng vọt đạt 1,6 nghìn tỷ đồng chủ yếu nhờ GVR thoái vốn 11,8% cổ phần tại CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP). VCSC ước tính rằng GVR ghi nhận khoản lãi tài chính trị giá 1,1 nghìn tỷ đồng trong quý 4/2020 từ việc thoái vốn này.
Năm 2020, doanh thu của GVR tăng 6,9% YoY đạt 21 nghìn tỷ đồng trong khi LNST sau lợi ích CĐTS tăng 32% YoY đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 108% và 118% dự báo cả năm tương ứng. KQKD này cũng cao hơn khoảng 8% so với con số sơ bộ mà GVR đã công bố vào giữa tháng 12/2020.
VCSC cho rằng chênh lệch giữa dự báo và KQKD của công ty trong năm 2020 chủ yếu đến từ doanh thu mảng CSTN cao hơn dự kiến cũng như khoản thu nhập tài chính từ thoái vốn, bù đắp một phần cho thu nhập ròng khác thấp hơn dự kiến.
Ngoài ra, tại cuộc họp giữa GVR và cổ đông lớn - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) - vào giữa tháng 12/2020, GVR đã đặt mục tiêu ghi nhận LNST sau lợi ích CĐTS đạt 5,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2021, cao hơn 32% so với dự báo LNST sau lợi ích CĐTS hiện tại cho năm 2021.
VCSC cho rằng GVR có thể đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tài chính trong năm 2021 (bao gồm cả việc bán bớt cổ phần tại CTCP KCN Nam Tân Uyên - UPCoM: NTC) bên cạnh chuyển việc thanh lý gỗ cao su trong năm 2021 từ năm 2020 khi trước đó công ty có kế hoạch ghi nhận khoản lãi dự kiến đạt 1,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.
VCSC khuyến nghị cho cổ phiếu GVR với giá mục tiêu 19.500 đồng/cp.