Theo báo cáo triển vọng ngành Sân bay năm 2021 của Chứng khoán SSI, thị trường trong nước vẫn là tâm điểm.
SS cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới khiến đơn vị khó có thể dự báo thời gian và tốc độ phục hồi thị trường quốc tế.
Theo kịch bản cơ sở, Chính phủ giữ nguyên chính sách thắt chặt biên giới và yêu cầu cách ly nghiêm ngặt đến hết 6T2021. Hiệu quả của vắc xin sẽ là yếu tố quyết định cho việc nới lỏng chính sách bảo hộ và nối lại hoạt động du lịch quốc tế.
SSI ước tính sản lượng khách quốc tế sẽ đạt 12 triệu lượt khách vào năm 2021 (+100% YoY), tương đương với 34% mức trước COVID. Sản lượng ước tính phục hồi hoàn toàn vào năm 2022, khi hoạt động du lịch dần bình thường trở lại.
Thị trường nội địa có thể vẫn là nguồn thu chính của ngành, ít nhất là cho đến hết 6T2021. Do COVID-19 đã được kiểm soát tốt ở Việt Nam cũng như hầu hết các ca lây nhiễm đã được xác định và cách ly ngay tại biên giới, chúng tôi dự báo nhu cầu nội địa với mục đích công tác hay du lịch đều phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021. SSI kỳ vọng phân khúc này sẽ phục hồi về mức trước COVID là 73 triệu lượt khách vào năm 2021 (+23% so với cùng kỳ).
Vận chuyển hàng hóa có thể tăng chậm, nhưng có khả năng khôi phục từ nửa cuối 2021 (cùng với các chuyến bay quốc tế). SSI ước tính sản lượng hàng hóa hồi phục về gần mức trước COVID (1,5 triệu tấn) vào năm 2021, khi các chuyến bay quốc tế phục hồi và các hãng hàng không chuyển một phần đội bay sang vận chuyển hàng hóa để tận dụng giá vận chuyển hàng không cao vào thời điểm hiện tại (cao hơn gấp 2-3 lần so với mức trước COVID).
SSI cũng nhận thấy cơ hội để sản lượng hàng hóa tăng mạnh vì Việt Nam đang tìm cách nhập khẩu 30 triệu mũi vắc xin COVID-19 trong năm 2021 từ AstraZeneca, Pfizer và Sputnik V, mặc dù thỏa thuận chưa được ký kết tại thời điểm viết bài.
FAA chấp thuận đưa B737 Max vào hoạt động thương mại từ năm 2021 sau một năm tạm ngừng. Quyết định này giúp tăng công suất của nhiều hãng hàng không trong vài năm tới, vì B737 Max chiếm 80% đơn hàng của Boeing hiện tại. Sau khi ngừng hoạt động trên toàn cầu từ tháng 3/2019 do hai vụ tai nạn (liên quan đến hệ thống MCAS bị lỗi), ngành hàng không toàn cầu phải đối mặt với tình trạng giảm công suất. Trong 11 tháng đầu năm 2020, Boeing chỉ bàn giao 118 chiếc máy bay mới - chỉ bằng khoảng 30% so với số lượng bàn giao năm ngoái.
Triển vọng tăng trưởng sẽ bật tăng từ mức thấp vào năm 2020, cho thấy bức tranh phục hồi. SSI ước tính lợi nhuận sau thuế của ACV sẽ tăng 250% so với cùng kỳ trong năm 2021 lên 4,7 nghìn tỷ đồng, vẫn thấp hơn 42% so với năm 2019.
Cũng cần lưu ý các vấn đề và rủi ro đối với ngành này là COVID-19. Đà phục hồi và tăng trưởng của thị trường hàng không nội địa Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu quả kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ, vì các đợt bùng phát toàn cầu vẫn đang tăng và có nguy cơ xảy ra cả các ca lây nhiễm từ nước ngoài/ biến thể virus.