Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa có quyết định chuyển cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 23/5.
Theo đó, cổ phiếu HBC chỉ được giao dịch trong phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.
Lý do HBC bị đưa vào diện hạn chế giao dịch vì Công ty chậm nộp BCTC năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với quy định.
Đồng thời, cổ phiếu HBC tiếp tục bị giữ ở diện kiểm soát do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2021 và 2022.
Trước đó, giải trình về việc chậm công bố BCTC khiến cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát, HBC cho biết thời gian qua, công tác quản trị nội bộ của công ty phát sinh một số vấn đề. Bên cạnh đó, tình hình thị trường bất động sản và tài chính biến động; hàng loạt công trình phải ngưng thi công dẫn đến việc xác nhận khối lượng, giá trị hoàn thành từ chủ đầu tư gặp khó khăn, ảnh hưởng đến vấn đề thanh - quyết toán.
Điều này đã ảnh hưởng đến các hoạt động xuyên suốt của Hoà Bình, trong đó có việc hoàn thành BCTC năm theo đúng thời hạn.
HBC cho biết sẽ công bố thông tin BCTC kiểm toán 2022 chậm nhất vào ngày 30/5, đồng thời công bố Báo cáo thường niên 2022 theo quy định.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HBC đang giảm sát mức sàn về 8.660 đồng/cp trong phiên chiều ngày 17/5 sau tin bị hạn chế giao dịch. Dù vậy vẫn tăng hơn 8% trong vòng 1 tháng qua, thanh khoản cũng sôi động khi bình quân hơn 3,4 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.
Về tình hình kinh doanh, quý 1/2023 HBC ghi nhận doanh thu thuần giảm 60% so cùng kỳ về còn 1.194 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến HBC lỗ ròng gần 444 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 13 tỷ đồng. Tuy nhiên con số lỗ quý này vẫn thấp hơn mức lỗ khủng 1.200 tỷ của quý liền trước là quý 4/2022.
Mức lỗ này nâng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/3/2023 của HBC âm tới 1.137 tỷ đồng.
Năm 2023, HBC đặt mục tiêu doanh thu đạt 12.500 tỷ đồng và lãi sau thuế 125 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch cả năm của HBC còn rất xa vời nhất là sau khi báo lỗ trong quý đầu năm.
Tại thời điểm cuối quý 1/2023, tổng tài sản của HBC giảm 7% về mức 15.696 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt và gửi ngân hàng giảm mạnh 54% xuống còn 246 tỷ đồng; Các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 7% xuống 11.286 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ phải trả 13.503 tỷ đồng, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn giảm đáng kể xuống 5.527 tỷ đồng, tương ứng chiếm 35% tổng nguồn vốn, trong đó áp lực đè nặng lên HBC khi chủ yếu là khoản vay ngắn hạn. Các chủ nợ lớn nhất của HBC chính là BIDV, VietinBank, VPBank, MSB, MBB, NCB, ABBank... Trong đó có hơn 700 tỷ đồng là vay trái phiếu đến hạn vào năm 2025 và 2026.