Tính đến 2h30 phiên 16/11, cổ phiếu DGC tăng trần lên mức 56.900 đồng/cp sau chuỗi thời gian dài lao dốc từ mức đỉnh 230.000 đồng/cp.
Theo ông Huyền: "Trong lịch sử 8 năm kể từ khi niêm yết, chưa bao giờ cổ phiếu DGC sập sàn 5 phiên liên tiếp, điều bất thường này lại xảy ra ngay năm mà kết quả kinh doanh Công ty cao nhất từ trước đến nay."
Doanh thu ước đạt trên 14.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế ước trên 6.000 tỷ đồng. Ngay tại quý 4/2022, lãi tháng 10-11 đã ước đạt 800 tỷ đồng, chắc chắn kế hoạch lãi 1.100 tỷ sẽ đạt được. Chủ tịch cũng nhấn mạnh mọi hoạt động kinh doanh Công ty đều bình thường.
|
Chủ tịch Đào Hữu Huyền. |
Chủ tịch DGC tự hào rằng là 1 trong những công ty có nền tảng tài chính tốt nhất Việt Nam với dư tiền gửi trên 8.000 tỷ và số nợ vay phải trả 600 tỷ đồng. Là 1 công ty xuất khẩu lớn nên đã hưởng chênh lệch tỷ giá hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Tuy giá cả có giảm cho một số mặt hàng nhưng lợi nhuận vẫn rất tốt, gần như không có hàng tồn kho, không có nợ xấu...
"Việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên chắc quý vị đã biết qua phân tích của các công ty chứng khoán. Về khía cạnh nội bộ, bên cạnh giải trình với UBCK, chúng tôi thấy có trách nhiệm phải nói rõ thêm với cổ đông, nhà đầu tư được biết", tâm thư ghi.
Trong thời gian ngắn trước đó, chính ông Đào Hữu Huyền đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu từ ngày 17/11-16/12 theo phương thức khớp lệnh qua sàn chứng khoán.
Nếu giao dịch hoàn tất, ông Huyền sẽ tăng lượng nắm giữ tại DGC từ gần 68,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 18,11%) lên gần 69,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 18,38%).
Trước đó, vào ngày 11/11. các quỹ thành viên của Dragon Capital đã mua vào gần 1 triệu cổ phiếu DGC. Tạm tính theo giá kết phiên 11/11 là 61.400 đồng/cp, ước tính nhóm quỹ ngoại Dragon Capital phải chi hơn 60 tỷ để hoàn tất giao dịch trên.
Theo đó, tổng sở hữu của cả nhóm nhà đầu tư nước ngoài tăng từ 6,9151% lên 7,1731%, tương đương số lượng cổ phiếu sở hữu tăng lên 27.241.980 đơn vị.