Trong đó, lô trái phiếu BNPCH2123001 phát hành ngày 7/6/2021 đáo hạn ngày 7/6/2023 có trị giá 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số tiền gốc/lãi chậm chưa thanh toán của lô trái phiếu này là hơn 512 tỷ đồng đang được đàm phán yêu cầu bán tài sản bảo đảm.
Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là gần 58,73 triệu cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank). Lô trái phiếu 500 tỷ đồng này được BNP Global phát hành để hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Thành phố Aqua nhằm phát triển cụm dự án Aqua City.
Như vậy, nếu trái chủ đồng ý, BNP Global sẽ đưa ra bán gần 58,73 triệu cổ phiếu SGB (chiếm 19% vốn Saigonbank) trong bối cảnh thị giá đang ghi nhận mức giảm gần 3% trong vòng 1 tháng qua, đóng cửa phiên ngày 4/7 ở mức 13.300 đồng/cp. Thanh khoản rất thấp khi bình quân chỉ gần 10.000 cổ phiếu được sang tay.
Với mức thị giá này, dự kiến BNP Global sẽ thu về khoảng hơn 780 tỷ đồng nếu bán số tài sản đảm bảo trên, dư trả nợ gốc và lãi lô trái phiếu này cho trái chủ.
Còn lô trái phiếu BNPCH2123002 phát hành ngày 4/10/2021 và đáo hạn vào 4/6/2023 có trị giá 2.100 tỷ đồng. Hiện tổng số tiền gốc/lãi chậm chưa thanh toán là 2.184 tỷ đồng được đề nghị giãn lịch thanh toán gốc, lãi nhưng trái chủ không đồng ý, công ty cho biết sẽ tiếp tục thương thảo. Lô trái phiếu này không ghi rõ nội dung, mục đích phát hành.
Như vậy, tổng giá trị BNP Global chưa thanh toán được cả gốc/lãi 2 lô trái phiếu này là 2.696 tỷ đồng trong đó có 2.600 tỷ đồng tiền gốc và hơn 96 tỷ đồng tiền lãi khi đến hạn.
|
Dự án Aqua City |
Việc BNP Global chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu cũng là điều dễ hiểu khi tình hình kinh doanh khá bết bát. Năm 2021 và 2022 đều thua lỗ liên tiếp, trong đó năm 2021 lỗ 67 tỷ đồng và năm 2022 lỗ gần 21 tỷ đồng.
|
Kết quả kinh doanh năm 2021 và 2022 của BNP Global |
Tại thời điểm cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của BNP Global được tăng gần gấp đôi lên 979 tỷ đồng. Trong khi nợ phải trả gấp tới 2,66 lần vốn chủ sở hữu, tương ứng chiếm 2.604 tỷ đồng, đây chính là dư nợ trái phiếu của BNP Global.