Áp lực đáo hạn trái phiếu quý 3: Căng thẳng rủi ro vỡ nợ

Dự tính có khoảng 150,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn vào nửa cuối năm 2023, trong đó có đến 12 doanh nghiệp bất động sản...
Theo báo cáo phân tích triển vọng thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) dự tính có khoảng 150,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn vào nửa cuối năm 2023, trong đó có đến 12 doanh nghiệp (DN) bất động sản và 11 DN chưa niêm yết, cho thấy rủi ro vỡ nợ là vô cùng căng thẳng trong giai đoạn này.
Áp lực đáo hạn căng thẳng nhất vào quý 3/2023, tăng 26% so quý trước 
Tính từ đầu năm đến ngày 14/6, KBSV ước tính tổng giá trị TPDN chậm trả gốc, lãi ở mức 61 nghìn tỷ, chiếm 5,7% giá trị TPDN đang lưu hành.
Trong đó bao gồm 9,3 nghìn tỷ TPDN đã đáo hạn không trả được gốc, còn lại là 51,8 nghìn tỷ trái phiếu chưa đến hạn nhưng chậm thanh toán lãi. Lượng trái phiếu chậm trả bắt đầu tăng cao đột biến từ tháng 3 đến nay và vẫn chưa có xu hướng chậm lại.
Ap luc dao han trai phieu quy 3: Cang thang rui ro vo no
Lũy kế giá trị TPDN chậm trả gốc, lãi năm 2023
Xét về cơ cấu các ngành, bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 71% tổng giá trị TPDN chậm trả nợ, ghi nhận mức 42,4 nghìn tỷ.
Nhóm tài chính bao gồm các tổ chức tín dụng và kinh doanh chứng khoán không ghi nhận lô trái phiếu nào chậm trả.
Dự tính sẽ có khoảng 150,6 nghìn tỷ đồng TPDN đáo hạn vào nửa cuối năm 2023. Trong đó, lượng trái phiếu đáo hạn tập trung vào quý 3 với 91,8 nghìn tỷ, tăng 26% so với quý liền trước. 
Áp lực đáo hạn sau đó hạ nhiệt trong vòng 2 tháng trước khi tăng mạnh trở lại lên mức 30,6 nghìn tỷ vào tháng cuối năm 2023. Nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 63,3 nghìn tỷ đồng và chiếm 42% tổng giá trị đáo hạn trong 6 tháng cuối năm.
Ap luc dao han trai phieu quy 3: Cang thang rui ro vo no-Hinh-2
Cơ cấu ngành TPDN chậm trả gốc, lãi năm 2023 
Tổng hợp thông tin từ HNX, KBSV ước tính có khoảng 13 doanh nghiệp phi ngân hàng có giá trị trái phiếu đáo hạn trên 3 nghìn tỷ trong nửa cuối năm 2023. Điểm đáng chú ý là trong số những doanh nghiệp trên có đến 12 doanh nghiệp bất động sản và 11 doanh nghiệp chưa niêm yết, cho thấy rủi ro vỡ nợ là vô cùng căng thẳng trong giai đoạn này.
Trong đó, Tập đoàn An Đông thuộc Vạn Thịnh Phát dẫn đầu giá trị trái phiếu đáo hạn với gần 15 nghìn tỷ. Do đây là những lô trái phiếu liên quan đến vi phạm đã bị phát hiện vào năm ngoái của ban lãnh đạo công ty nên rủi ro được đánh giá là rất cao.
Các tổ chức phát hành khác cũng nằm trong danh sách bao gồm Tập đoàn Novaland (9,2 nghìn tỷ), CTCP Dịch vụ - Thương mại TPHCM (3,7 nghìn tỷ) và CTCP Hưng Thịnh Land (3,6 nghìn tỷ) thời gian qua cũng liên tục thông báo về tình trạng chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu. 
Nhìn chung, với triển vọng kinh doanh không mấy khả quan của ngành bất động sản nói chung, các doanh nghiệp này sẽ khó có thể hoàn thành nghĩa vụ đáo hạn trong thời gian tới.
Ap luc dao han trai phieu quy 3: Cang thang rui ro vo no-Hinh-3
Giá trị TPDN đáo hạn 
Tác động của TPDN lên TTCK trong thời gian tới thế nào?
Nhìn chung, các vấn đề của thị trường TPDN đã không còn được coi là sự kiện “Thiên Nga Đen” trong năm nay do nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị từ trước, các tác động về mặt tâm lý được giảm thiểu tối đa và sẽ không gây ra các cú shock như trong năm 2022.
Trên thực tế, một số sự kiện chậm trả lãi và gốc đã diễn ra từ cuối 2022 đến nay với quy mô không nhỏ nhưng tác động lên thị trường chung là không đáng kể. Dù vậy, các tác động về mặt dòng tiền, sự ổn định vĩ mô vẫn rất đáng chú ý nếu xảy ra sự đổ vỡ lớn và có ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, tương tự như sự kiện Vạn Thịnh Phát - SCB.
Ap luc dao han trai phieu quy 3: Cang thang rui ro vo no-Hinh-4
Các DN phi ngân hàng có giá trị TPDN đáo hạn lớn nhất vào nửa cuối năm 2023 
Bên cạnh đó, một số yếu tố hỗ trợ khác cũng đã xuất hiện và tác động tích cực lên thị trường TPDN nói chung và ngành bất động sản nói riêng như: i) Doanh nghiệp dễ đàm phán với trái chủ hơn nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ; ii) Các chính sách hỗ trợ thị trường TPDN được ban hành ở NĐ08 và thông tư 02,03; iii) Mặt bằng lãi suất giảm (dù có độ trễ), giúp phần nào giảm áp lực trả lãi vay từ đó hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Dù hiện tại KBSV chưa nhìn thấy rủi ro xuất hiện 1 cú shock lớn nào ở thị trường TPDN có thể tác động mạnh đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, sự ổn định vĩ mô, cũng như TTCK (tương tự sự kiện Vạn Thịnh Phát – SCB).
Tuy nhiên, với quy mô đáo hạn lớn và việc mất khả năng thanh toán đang dần được bộc lộ rõ nét, nợ xấu ngân hàng được dự báo tiếp tục gia tăng, gây áp lực lên chi phí dự phòng, lợi nhuận ngành ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay và qua đó tác động tiêu cực kiềm hãm đà hồi phục của TTCK.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN