Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị tiền thu về dự kiến 150 tỷ đồng. Sau phát hành, BOT Cầu Thái Hà sẽ nâng vốn điều lệ từ 484 tỷ đồng hiện nay lên 635 tỷ đồng.
Số tiền thu được sẽ được dùng để trả nợ ngân hàng, cân đối giảm bớt đòn bẩy tài chính, cụ thể trả nợ cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam CN Hà Nam (VietinBank) hơn 56 tỷ đồng, còn lại gần 94 tỷ đồng để trả nợ Công ty TNHH Tiến Đại Phát.
Đáng chú ý, hiện nay cổ phiếu BOT đang giao dịch trên UPCoM với giá hơn 51.800 đồng/cp, nhưng Công ty chào bán riêng lẻ 15 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp, rẻ hơn đến 80% so với giá trên thị trường.
Danh sách nhà đầu tư đăng ký mua bao gồm 6 cá nhân, đều không có tên trong danh sách lãnh đạo công ty. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.
Đợt phát hành riêng lẻ này của BOT Cầu Thái Hà diễn ra trong bối cảnh Công ty đang gặp áp lực về nợ vay.
Tính đến 30/9, trong cơ cấu nguồn vốn của BOT Cầu Thái Hà thì vay nợ tài chính dài hạn chiếm chủ yếu tới 978 tỷ đồng và vay nợ tài chính ngắn hạn là 134 tỷ đồng.
Đây là khoản vay BOT Cầu Thái Hà vay của VietinBank theo hợp đồng tín dụng ngày 31/3/2015 với thời hạn 161 tháng. Lãi suất cho vay được điều chỉnh theo thông báo của VietinBank.
Nói về kết quả kinh doanh, luỹ kế 9 tháng, BOT Cầu Thái Hà tiếp tục chìm trong thua lỗ với 71 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so con số lỗ 128 tỷ đồng của cùng kỳ 2019.
Được biết, năm 2020, BOT Cầu Thái Hà đặt mục tiêu tổng doanh thu tới 635 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng. Như vậy, BOT Cầu Thái Hà còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra.