Theo đó, SCIC cho biết sẽ chào bán cả lô gần 3,6 triệu cổ phần SGC, chiếm 49,89% vốn Sa Giang. Đây là lần thứ 2, SCIC đang ký bán trọn lô cổ phiếu SGC.
Giá khởi điểm cho lần đấu giá này là 97.500 đồng/cp, giảm hơn 12,7% so với được xác định ở lần đấu giá trước (111.700 đồng/cp). Giá khởi điểm cả lô cổ phần xấp xỉ 347 tỷ đồng.
Hiện tại, giá cổ phiếu SGC dừng ở mức 81.400 đồng/cp. Với mức giá 97.500 đồng/cp thì mức giá chào bán khởi điểm của SCIC đang cao hơn 19% thị giá.
Sa Giang tiền thân là Nhà máy bánh Phồng tôm Sa Giang, được thành lập vào năm 1960. Vốn điều lệ của Xuất nhập khẩu Sa Giang sau nhiều lần điều chỉnh từ khi thành lập hiện đạt giá trị hơn 71 tỷ đồng.
Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của Xuất nhập khẩu Sa Giang là sản xuất thức ăn chế biến sẵn, kinh doanh bất động sản, sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến thực phẩm,… Trong đó, bánh phồng tôm là sản phẩm tiêu biểu và chủ lực, góp phần lớn vào doanh thu hàng năm của Xuất nhập khẩu Sa Giang.
Về kết quả kinh doanh quý 3/2020, lợi nhuận quý 3 của SGC đạt hơn 8 tỷ đồng, tăng 54% chủ yếu là do giá nguyên vật liệu chính của quý 3 này thấp hơn cùng kỳ dẫn đến giảm giá thành và tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ quý 3/2020 tăng so với cùng kỳ nên lợi nhuận tăng.
Sau 9 tháng, Sa Giang báo lãi trước thuế đạt 29 tỷ đồng, thực hiện được 90% kế hoạch đề ra và lãi sau thuế đạt hơn 23 tỷ đồng.
Tổng tài sản của SGS tại ngày 30/9 đạt 181 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là hơn 111 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 23 tỷ đồng.