Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) vừa công bố tài liệu họp thường niên 2021 với nhiều nội dung quan trọng.
Kế hoạch lãi trước thuế 13.000 tỷ, tăng 44% so năm 2020
Theo đó, BIDV sẽ trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận 13.000 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2020. Dư nợ tín dụng lên kế hoạch tăng 10-12%, đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do NHNN giao. Huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến cao hơn 12-15% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1,6%. Cổ tức không thấp hơn mức thực hiện năm 2020.
Tăng vốn thêm hơn 8.000 tỷ bằng phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán riêng lẻ
BIDV cũng trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ năm 2021, thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ, tương đương tăng 20,6%.
Theo đó, BIDV sẽ phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%) và 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tỷ lệ 7%. Bên cạnh đó, ngân hàng dự kiến chào bán ra công chúng hoặc riêng lẻ 341,5 triệu cổ phiếu. Như vậy, tổng cả 3 đợt phát hành là hơn 830 triệu cổ phiếu.
Đồng thời, BIDV tiếp tục trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận phương án phát hành ESOP trên cơ sở ĐHĐCĐ các năm 2018, 2019 và 2020 đã thông qua.
Ngoài ra, nhằm tăng tính linh hoạt cho kế hoạch tăng vốn, BIDV cũng sẽ xây dựng phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi phù hợp tình hình thực tế.
Chuyển đổi chi nhánh Yangon - Myanmar thành ngân hàng con vốn 100 triệu USD
Về kế hoạch phát triển, BIDV dự kiến chuyển đổi chi nhánh Yangon, Myanmar thành ngân hàng con - BIDV Myanmar. Vốn điều lệ ngân hàng con sẽ là 100 triệu USD, tăng 15 triệu USD. Thời gian chính thức hoạt động dự kiến từ năm 2022.
Kế hoạch đến năm 2025, BIDV Myanmar có lộ trình mở điểm giao dịch phù hợp gồm phòng giao dịch đầu tiên tại Myanmar Plaza trong năm 2022, 1 chi nhánh/phòng giao dịch (PGD) tại khu vực kinh tế trọng điểm của Myanmar năm 2023.
Tổng tài sản 2025 dự kiến trên 150 triệu USD, tăng 25% so với năm 2020. Huy động vốn đáp ứng nhu cầu cân đối vốn, trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư là 70%. Dư nợ tín dụng là 60 triệu USD, gấp 2 lần năm 2020, trong đó dư nợ cho vay khách hàng cá nhân chiếm 3-5% tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế bình quân đạt 1,5 triệu USD/năm.
Lợi nhuận 2020 giảm 15,9% so với năm 2019 do chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ
Về tình hình kinh doanh năm 2020, tổng tài sản của BIDV đạt 1.516.686 tỷ đồng, tăng trưởng 1,8% so với năm 2019.
Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư 1 đạt 1.438.520 tỷ, tăng trưởng 8,5% so với năm 2019; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1.230.569 tỷ, tăng trưởng 8,5% so với năm 2019, tuân thủ giới hạn tín dụng NHNN giao (tối đa 9%), chiếm 13,4% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Tổng nguồn vốn huy động 2 đến 31/12/2020 đạt 1.402.248 tỷ; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1.295.533 tỷ, tăng trưởng 9,1%; chiếm 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.
Tổng thu nhập ròng từ hoạt động đầu tư năm 2020 đạt 154 tỷ (gồm cổ tức nhận được từ Liên doanh Tháp, CTCP Bảo hiểm BIDV, VALC, NAPAS và VRB), hoàn thành 125% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế của khối công ty trực thuộc đạt 748 tỷ, vượt 58% kế hoạch năm 2020. Trong đó CTCP Bảo hiểm BIDV đóng góp lợi nhuận trước thuế 375 tỷ, tăng 39% so với năm 2019, vượt 56% kế hoạch; CTCP Chứng khoán BIDV ghi lợi nhuận trước thuế đạt 161,5 tỷ, vượt 88% kế hoạch... Lợi nhuận trước thuế khối Liên doanh, liên kết đạt 632 tỷ, vượt 11% kế hoạch năm.
Tổng thu nhập năm 2020 đạt 124.668 tỷ, tăng trưởng 3,2% so với năm 2019, vượt Kế hoạch tài chính do NHNN giao.
Trích DPRR thực hiện đầy đủ theo quy định (bao gồm trích dự phòng cho dư nợ thông thường và 9.300 tỷ trái phiếu VAMC đã tất toán sớm một năm so với quy định). Dư quỹ dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đến 31/12/2020 là 19.056 tỷ.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.026 tỷ, vượt kế hoạch tài chính NHNN (106%); tuy nhiên giảm 15,9% so với năm 2019 do BIDV chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ để thực hiện cơ cấu nợ và miễn giảm lãi, phí cho khách hàng