CTCP Chứng khoán Asean (AseanSc) vừa có thông báo lấy ý kiến cổ đông về phương án chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Theo kế hoạch, danh sách cổ đông tham gia lấy ý kiến sẽ được chốt tại ngày 6/12/2024, sau đó các cổ đông cho ý kiến và gửi phiếu lấy ý kiến về Aseansc chậm nhất trước 16h ngày 17/12/2024.
Cụ thể, HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua phương án tăng vốn bằng cách chào bán 50 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, tương đương mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phần sẽ được mua thêm 1 cổ phần mới.
Thời gian chào bán trong năm 2024 - 2025, giá dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cp, qua đó huy động tối đa 500 tỷ đồng, dự kiến giải ngân toàn bộ trong năm 2025.
Toàn bộ lượng cổ phiếu chào bán thêm cho cổ động hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng. Số cổ phần còn lại chưa chào bán hết khi được chào bán cho các cổ đông/nhà đầu tư khác sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Nếu chào bán thành công 50 triệu cổ phần như kế hoạch, vốn điều lệ của AseanSc sẽ tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty sẽ dùng 350 tỷ đồng bổ sung vốn hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán, bảo lãnh phát hành; dùng 100 tỷ đồng bổ sung vốn hoạt động tự doanh, đầu tư khác; dùng 50 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, đầu tư máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất, cải tạo hoặc sửa chữa,… phục vụ hoạt động kinh doanh.
|
Ảnh minh họa |
Trước đó, lần tăng vốn gần nhất của AseanSc là vào năm 2017, vốn điều lệ công ty chứng khoán này tăng từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến hoạt động huy động vốn, hồi đầu tháng 9/2024, HĐQT AseanSc cũng từng ra Nghị quyết phê duyệt phương án xin cấp hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng tại BIDV để bổ sung vốn lưu động. Khoản vay được bảo đảm bằng tiền gửi, giấy tờ có giá (trừ cổ phiếu) do BIDV phát hành thuộc sở hữu của AseanSc và/hoặc bên thứ ba. Tuy nhiên, số liệu trên BCTC quý 3/2024 lại chưa cho thấy có phát sinh khoản vay này.
Động thái của công ty chứng khoán này diễn ra trong bối cảnh hàng loạt đơn vị cùng ngành liên tục có kế hoạch tăng vốn trong thời gian gần đây như PHS, MBS, TCBS, SSI,...
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 3/2024, AseanSc ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 8,5 tỷ đồng, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do chênh lệch đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL ghi nhận âm 30,8 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Aseansc ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 112 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Mảng đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu hoạt động của công ty với lãi từ FVTPL đạt 33,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái báo lỗ 62,6 tỷ đồng.
Lãi từ các khoản cho vay và phải thu mang về lợi nhuận khá ổn định, qua đó Aseansc báo lãi sau thuế đạt 43 tỷ đồng, cao gấp 8,2 lần so với cùng kỳ.