Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam lãi gần 1.900 tỷ đồng năm 2023

(Vietnamdaily) - 97% doanh thu của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đến từ hoạt động đầu tư vốn vào công ty con, trong đó HoSE đóng góp hơn 1.395 tỷ đồng và HNX mang về 461,5 tỷ đồng.
 

Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) đã công bố kết quả thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu đạt 1.920 tỷ đồng, giảm gần 44% so với năm 2022.
97% doanh thu đến từ hoạt động đầu tư vốn vào công ty con, trong đó Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đóng góp hơn 1.395 tỷ đồng và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mang về 461,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổng chi phí trong năm của VNX rất thấp, chỉ ở mức 26,7 tỷ đồng, giảm đến hơn 96% so với năm trước. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của VNX chỉ giảm gần 10% so với năm 2022, xuống mức 1.886 tỷ đồng.
So Giao dich Chung khoan Viet Nam lai gan 1.900 ty dong nam 2023
 
VNX được thành lập tháng 2/2021 theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. VNX có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, được tổ chức theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình mẹ - con dựa trên sự sắp xếp lại HNX và HoSE. Nhiệm vụ chính của VNX là thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ thị trường.
Trong năm 2023, VNX đã chủ động rà soát các quy chế nghiệp vụ liên quan để chuẩn bị cho các sửa đổi cần thiết khi hệ thống giao dịch mới chính thức đi vào vận hành, và khi có các thay đổi của quy định pháp luật; Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức và vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ theo chỉ đạo của cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, VNX cũng đã thực hiện các công tác quản lý, giám sát, kiểm tra thành viên định kỳ nghiêm túc, kịp thời phát hiện các vi phạm; Chủ động triển khai và phối hợp chặt chẽ với UBCKNN trong công tác giám sát tuân thủ, giám sát giao dịch, xử lý giao dịch nghi vấn, xử lý vi phạm;…
Sở cũng tích cực chỉ đạo Chủ đầu tư và điều phối hoạt động giữa các đơn vị thụ hưởng đẩy nhanh tiến độ triển khai gói thầu CNTT và đôn đốc các thành viên tham gia kiểm thử hệ thống giao dịch mới. Việc chính thức trở thành thành viên của WEF là một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập của VNX và công ty con, góp phần quảng bá, thúc đẩy hội nhập các thị trường chứng khoán.
Tại hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng - Bộ Tài chính, Vụ Giám sát thị trường - UBCKNN, HNX, HOSE, VSDC đã đề nghị VNX tiếp tục phối hợp công tác chặt chẽ hơn nữa trong năm tới 2024 để hoàn thiện các văn bản pháp luật, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, chính sách, đặt biệt là việc tăng cường cho công tác giám sát (giám sát giao dịch, giám sát liên thị trường, giám sát thành viên,...), công tác nghiên cứu và triển khai các sản phẩm mới cũng như phối hợp trong việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin mới đáp ứng kịp thời tiến độ mà cơ quan quản lý đặt ra.

Lý do giúp Đạm Hà Bắc báo lãi đột biến 1.649 tỷ trong quý 4?

(Vietnamdaily) - Nhờ khoản thu nhập đột biến giúp Đạm Hà Bắc báo lãi sau thuế 1.649 tỷ đồng quý 4, gấp 19,4 lần cùng kỳ năm 2022.

Theo BCTC quý 4/2023, CTCP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, DHB) ghi nhận doanh thu ở mức 1.189 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp của công ty chỉ còn 65 tỷ, giảm 83%, biên lợi nhuận gộp còn 5,4% trong khi cùng kỳ năm 2022 đạt 33%.

Các chi phí ăn mòn lãi gộp khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 154 tỷ đồng. Song, Đạm Hà Bắc lại ghi nhận khoản thu nhập khác 1.802 tỷ đồng được thuyết minh là thu nhập từ đề án tái cơ cấu các khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Nhờ khoản thu nhập đột biến giúp Đạm Hà Bắc báo lãi sau thuế 1.649 tỷ đồng quý 4, gấp 19,4 lần cùng kỳ năm 2022.

Ly do giup Dam Ha Bac bao lai dot bien 1.649 ty trong quy 4?
 

Lũy kế cả năm 2023, Đạm Hà Bắc đạt 4.413 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế ở mức 861 tỷ; giảm 31% và 52% so với năm 2022. Khoản lãi lớn năm qua giúp lỗ lũy kế tính tới hết năm 2023 chỉ còn 2.108 tỷ đồng.

Cuối năm 2023, quy mô tài sản của Đạm Hà Bắc là 6.746 tỷ, giảm 11%. Khoản tiền, tiền gửi ngân hàng ghi nhận 340 tỷ cuối kỳ. Tổng dư nợ vay tại ngày 31/12/2023 là 2.889 tỷ đồng, giảm gần 4% sau một quý và chủ yếu vay từ Ngân hàng Phát triển, VietinBank.

Theo thuyết minh báo báo cho thấy tại ngày 31/12/2023, khoản phải lãi vay của Đạm Hà Bắc cho Ngân hàng Phát triển chỉ còn 2.518 tỷ đồng, giảm 1.721 tỷ sau một quý. Nhiều khả năng đây là khoản thu nhập đến từ việc miễn giảm lãi vay của công ty.

Doanh nghiệp của 'ông trùm' hóa chất báo lãi giảm tốc 44%

(Vietnamdaily) - Sau năm 2022 đầy thắng lợi với mức lãi ghi nhận kỷ lục, DGC của Chủ tịch Đào Hữu Huyền báo lãi năm 2023 giảm 44%. 

CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) vừa công bố BCTC quý 4/2023 với doanh thu đạt 2.388 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.

Doanh thu tài chính ở mức 194 tỷ đồng, xấp xỉ so với quý 4/2022. Các loại chi phí đều giảm, trong đó chi phí tài chính giảm một nửa xuống 35 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 39% xuống mức 95 tỷ đồng.

Sau cùng, DGC mang về 746 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất của Hóa chất Đức Giang kể từ quý 4/2021.

Lũy kế cả năm 2023, tổng doanh thu của DGC đạt 9.748 tỷ đồng, giảm 33%; lợi nhuận sau thuế ở mức 3.250 tỷ đồng, giảm 46% so với kết quả thực hiện năm trước. Lãi ròng đạt 3.109 tỷ đồng, giảm 44%.

Doanh nghiep cua 'ong trum' hoa chat bao lai giam toc 44%
 Cha con ông Đào Hữu Huyền.

Tại thời điểm cuối năm 2023, Hóa chất Đức Giang có quy mô tổng tài sản gần 15.500 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2022. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn với hơn 10.400 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng sau một quý và tăng 1.400 so với thời điểm đầu năm.

Trong năm 2023, DGC đã nhận về hơn 600 tỷ đồng lãi tiền gửi, gấp đôi so với năm 2022. Ngược lại, chi phí lãi vay chỉ ở mức 32 tỷ đồng.

Giá trị hàng tồn kho cuối quý 4/2023 là 855 tỷ đồng, giảm 15% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn gần 1.130 tỷ đồng, tăng 23% và đa số là phải thu ngắn hạn từ khách hàng.

Tổng nợ phải trả của Hoá chất Đức Giang là 3.492 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay chiếm trên 1.300 tỷ đồng, hoàn toàn là vay ngắn hạn từ ngân hàng, tăng 184% so với ngày đầu năm và tăng 33% so với cuối quý 3.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Đức Giang thừa nhận, sau năm đại thắng 2022 với lợi nhuận đạt 6.037 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2021, chưa biết đến năm nào, Công ty mới quay trở lại mức lợi nhuận kỷ lục này.

“Dự phòng cho kịch bản giá phốt pho vàng và giá phân bón giảm, Hóa chất Đức Giang đặt kế hoạch lợi nhuận giảm một nửa trong năm 2023, về 3.000 tỷ đồng”, ông Đào Hữu Huyền lý giải đặt kế hoạch giảm mạnh trong năm 2023.

Bên cạnh lợi nhuận lao dốc, dòng tiền của Tập đoàn Hoá chất Đức Giang trong năm 2023 cũng có dấu hiệu suy giảm đáng kể khi mà hoạt động kinh doanh chính chỉ tạo ra 1.812 tỷ đồng so với cùng kỳ tạo ra 5.937 tỷ đồng, tức giảm 4.125 tỷ đồng. Thêm nữa, trong năm 2023, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 1.498 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận âm 789 tỷ đồng.

Chứng khoán phiên 20/2: PVD, HPG, NLG nên mua vào

(Vietnamdaily) - Các công ty chứng khoán đã đưa ra khuyến nghị cho cổ phiếu nào trong phiên giao dịch ngày 20/2?
 

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVD

CTCP Vietcap (VCSC):

Chúng tôi điều chỉnh tăng 10% giá mục tiêu đối với Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) và nâng khuyến nghị từ khả quan thành mua. Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi là do dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2028 cao hơn 10% (lần lượt thay đổi -1%/+8%/+9%/+12%/+13%trong năm 2024/2025/2026/2027/2028).

Dự báo cao hơn của chúng tôi chủ yếu là do đưa thêm một giàn khoan vào đội giàn khoan của PVD trong cuối năm 2024 vào định giá khi ban lãnh đạo thể hiện sự tự tin trong việc mua lại 1 giàn khoan cũ với chi phí khoảng 90 triệu USD (thấp hơn 25% so với ước tính của chúng tôi).

Giàn khoan này dự kiến sẽ được cho thuê với giá thuê ngày là 120.000 USD (cao hơn khoảng 10% so với ước tính của chúng tôi) và thời gian hoàn vốn là 4 năm. Diễn biến này vượt xa kỳ vọng của chúng tôi về mọi khía cạnh do nguồn cung giàn khoan cực kỳ khan hiếm. PVD đã đảm bảo các hợp đồng cho thuê giàn khoan này cũng như đảm bảo phương án tài trợ và dự án này không cần tăng vốn.

PVD kỳ vọng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ sớm thông qua đề xuất của công ty về khoản đầu tư này sau khi giải quyết các khúc mắc về biến động giá dầu và chu kỳ ngành. Chúng tôi ước tính giàn khoan này sẽ tạo ra tỷ suất sinh lời nội bộ (IRR) là 18% và lợi nhuận sau thuế trung bình là 9 triệu USD/năm trong giai đoạn 2025-2028 (khoảng 9% lợi nhuận sau thuế mỗi năm của PVD).

Chung khoan phien 20/2: PVD, HPG, NLG nen mua vao
 

Chúng tôi hầu như duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo năm 2024 là tăng khoảng 70%, được hỗ trợ bởi giá thuê ngày JU trung bình tăng 25% đạt 98.500 USD cũng như khả năng kiểm soát chi phí tốt của PVD vào năm 2023, với lợi nhuận sau thuế vượt dự báo của chúng tôi khoảng 40%. Chúng tôi vẫn giữ kỳ vọng hoạt động thăm dò & khai thác (E&P) trong nước sẽ bước vào chu kỳ mới từ năm 2024, với tiến triển của mỏ khí Lô B, mỏ dầu Lạc Đà Vàng, mỏ dầu Đại Hùng – Giai đoạn 3…

Định giá của PVD hấp dẫn với P/E dự phóng năm 2024/2025 là 17,7/9,9 lần (PEG ba năm là 0,3 dựa trên CAGR EPS dự kiến của chúng tôi cho giai đoạn 2023-2026 là 60%). Chúng tôi tin rằng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh của PVD phù hợp với P/E cao trong ngắn hạn của công ty.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HPG